Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của nước ta đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản vẫn là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nhóm hàng ngành nông nghiệp nước ta. Song, sự bùng nổ đơn hàng từ Trung Quốc đã đưa quốc gia này vượt qua Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt xuất khẩu trong nửa đầu năm nay.
Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ giảm 32,9%, sang Nhật Bản giảm 5,3%, lần lượt chiếm 20,2% và 7,7% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm 2023.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm nay. Trung Quốc cũng là khách hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong nhóm các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta thời gian qua.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chi tới gần 1,77 tỷ USD để mua các loại rau quả của Việt Nam, tăng 120,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Rau quả là mặt hàng nông sản được Trung Quốc gom mua nhiều nhất, chiếm 65,8% kim ngạch xuất khẩu ngành hàng của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đứng thứ hai là mặt hàng cao su với kim ngạch 778,9 triệu USD, sau đó là gỗ và sản phẩm gỗ 706,6 triệu USD, thuỷ sản 634,4 triệu USD, sắn và sản phẩm sắn 522,9 triệu USD. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, các nhóm hàng này đều ghi nhận mức tăng trưởng âm lần lượt là 13,3%, 25,4%, 23,4% và 23,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của thuỷ sản Việt Nam, chiếm 17% kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm nay. Tương tự, đây cũng là thị trường xuất khẩu số 1 của mặt hàng sắn và sản phẩm sắn, chiếm 88% kim ngạch xuất khẩu của ngành này.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng ồ ạt mua lượng lớn gạo, cà phê, hạt điều của nước ta. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 390,6 triệu USD, tăng 71,2%; điều đạt 259 triệu USD, tăng 43,1%; cà phê đạt 71,4 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia ngành nông nghiệp nhìn nhận, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu năm 2023, Trung Quốc sẽ là điểm đến lớn nhất của nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn. Thị trường Trung Quốc được kỳ vọng là nhân tố bứt phá giúp ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 54-55 tỷ USD trong năm nay.
Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, đơn hàng từ thị trường Trung Quốc tăng mạnh ở một số nhóm hàng như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều. Đặc biệt là mặt hàng rau quả, sau khi ký các nghị định thư xuất khẩu chính ngạch, đơn hàng “bùng nổ”, thậm chí có thời điểm xe chở nông sản ồ ạt lên cửa khẩu xuất sang Trung Quốc dẫn đến ách tắc cục bộ.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường chủ lực, đơn hàng bùng nổ. Thị trường đã có sự thay đổi nên công tác điều hành của cơ quan chức năng phải linh hoạt, doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất hàng hóa để tập trung vào mũi nhọn này.
Trước đó, Bộ NN-PTNT đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu sang làm việc với chính quyền, Cục Hải quan hai tỉnh Quảng Tây và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và chỉ đạo tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương nông lâm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc qua hai tỉnh.
Hai bên thống nhất một số giải pháp nhằm tăng năng lực thông quan như: tăng số lượng doanh nghiệp ưu tiên, hợp tác xuất nhập khẩu một cửa một điểm dừng, thực hiện cơ chế trao đổi mẫu chứng nhận kiểm dịch, công nhận lẫn nhau và nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm… để đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông sản.
Cùng phối hợp đề xuất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm bổ sung các mặt hàng trái cây, thủy sản; bổ sung doanh nghiệp nông sản, thủy sản được xuất khẩu vào Trung Quốc cũng như cho phép thủy sản sống của Việt Nam xuất qua cửa khẩu của tỉnh Vân Nam.