Mời quý độc giả theo dõi video:
Với quan điểm đầu tư phát triển kinh - tế xã hội vùng đồng bào dân tộc là đầu tư cho sự phát triển, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều chính sách, đề án, phát huy tinh thần vượt khó, nỗ lực của người dân, tạo sự phát triển toàn diện ở vùng đồng bào dân tộc của tỉnh.
Riêng năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7,71%, GRDP bình quân đầu người đạt 54,8 triệu đồng/người/năm, 98% hộ dân tộc thiểu số có điện sử dụng. Kết quả rà soát hộ nghèo năm 2022, tổng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh hiện còn 15.139 hộ, giảm 2,19% so với năm 2021.
Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch Covid-19, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hỗ trợ đồng bào dân tộc phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội… với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 24/2/2021 nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.
Toàn tỉnh có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 128 ấp đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chương trình.
Nhiều tấm gương điển hình, không chỉ tự lực vươn lên, phát triển kinh tế giỏi, còn có nhiều đóng góp vào công tác an sinh xã hội của địa phương như ông Lâm Se ở khóm 2, phường 5, thành phố Sóc Trăng. Mô hình kinh tế làm ruộng, cắt lúa dịch vụ, mua bán rơm cuốn đã mang lại cho ông thu nhập 1 tỉ đồng/năm.
Đặc biệt, công việc cuốn rơm mang lại lợi nhuận cao. Hiện gia đình ông đã có tổng cộng 6 chiếc máy với trị giá gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, ông xây dựng 4 nhà kho với trên 2.000 m2 để chứa rơm nhằm tích trữ rơm đến mùa mưa bán được giá cao.
Với 6 chiếc máy này, mỗi ngày ông Lâm Se thu gom khoảng 3.000 cuộn rơm trên toàn tỉnh Sóc Trăng. Với giá bán hiện tại khoảng 25.000 đồng – 28.000 đồng/cuộn, ông thu lời tới 50%/cuộn. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm cho 12 người dân địa phương với thu nhập ổn định.
Nhiều năm liền, ông Lâm Se được công nhận là nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Một mô hình chăn nuôi thành công, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh là trang trại nuôi bò sữa ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tân, huyện Mỹ Xuyên của ông Diệp Kỉnh Tân.
Trang trại bò sữa theo công nghệ Hà Lan này rộng 5 ha nuôi gần 200 con bò sữa. Trang trại được đầu tư thiết bị tự động hóa như: máy cào phân, máy lọc không khí, máy vắt sữa và ống truyền sữa sẽ tự động đưa vào bình chứa bảo quản lạnh.
Trung bình mỗi ngày một bò sữa cho gần 19kg sữa, bán với giá trung bình 16 nghìn đồng/kg. Hiện tại, toàn bộ sữa của trang trại được một công ty sữa bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Trang trại đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 10 nhân công, trong đó đa số là bà con người Khmer.
Với cách làm bài bản, khoa học, trang trại của ông Tân không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của bà con nông dân ở tỉnh Sóc Trăng.
Song song với hỗ trợ phát triển kinh tế, tỉnh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng. Các xã có đông đồng bào dân tộc của tỉnh đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn, khóm, ấp có điện lưới quốc gia.
Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,6%. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc sử dụng công trình vệ sinh hợp vệ sinh đạt 95%.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục, y tế và các chính sách xã hội khác luôn được quan tâm thực hiện, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer luôn được bảo tồn, phát huy.
Hàng năm, tỉnh quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động đón lễ, tết cổ truyền của đồng bào Khmer; tổ chức họp mặt cán bộ, nhân sĩ, trí thức, sư sãi, quần chúng tiêu biểu của người dân tộc; đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ hưu trí người dân tộc và các chùa trên địa bàn tỉnh…
Thực hiện quy định chính sách đặc thù hỗ trợ việc dạy chữ và tiếng Khmer, tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống công lập và các chùa nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Quỳnh Nga - Xuân Quý