Năm 2023, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được quan tâm triển khai theo hướng đổi mới nội dung, hình thức gắn với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, ban, ngành, địa phương. 

Tuyên truyền về những đề xuất chính sách, thể chế liên quan đến tiếp cận pháp luật của người dân đảm bảo đồng bộ, khả thi, phù hợp từng giai đoạn. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân; kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống.

tiep-can-pghasp-luat-1.jpg
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều.

Để các hoàn thành các mục tiêu, tỉnh chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.

Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật chuyên biệt cho đối tượng đặc thù, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…

Tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả giúp nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của người dân như: “Tiếng loa Biên phòng”, “Nông dân với pháp luật”, “Mô hình chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội”, “Mỗi đoàn viên là một tuyên truyền viên tích cực”, “Tuyên truyền phòng, chống tội phạm qua Zalo, Facebook”, “Thư viện di động và thư viện xanh”... 

Tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó phát huy vai trò của đội ngũ luật sư, luật gia tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở...

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Cụ thể: Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Sóc Trăng cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về pháp luật; tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật gồm các chuyên mục như: Chính sách pháp luật; thông tin chỉ đạo điều hành; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản pháp luật; hoạt động của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; các tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật, tủ sách pháp luật…

Hiện, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng điện thoại thông minh, có kết nối Internet ngày càng tăng. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều giữa cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp qua hình thức tư vấn pháp luật trực tuyến hoặc hỏi đáp chính sách pháp luật, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật. 

Sở Tư pháp tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng mở chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” mỗi tháng 01 kỳ với thời lượng từ 10 - 12 phút/tháng; hợp đồng với Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố mở chuyên mục “Phổ biến, giáo dục pháp luật” thời lượng mỗi tháng 04 kỳ, mỗi kỳ từ 10 - 15 phút nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật xã hội quan tâm. 

Đồng thời, Sở Tư pháp tiếp tục vận hành và đăng tải các bài viết, tin ảnh, Infographic, video clip với nội dung tuyên truyên, phổ biến các quy định pháp luật trên Trang thông tin điện tử của Sở, Zalo Official Account “Phổ biến giáo dục pháp luật Sóc Trăng”; Trang Facebook “Phổ biến giáo dục pháp luật Sóc Trăng” nhằm tạo kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhanh chóng, kịp thời. Phối hợp tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật” năm 2023. 

Ngoài ra, Sở Tư pháp còn biên soạn và cấp phát miễn phí 5.000 quyển tài liệu bồi dưỡng dành cho hòa giải viên ở cơ sở, tài liệu hướng dẫn đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tài liệu hỏi đáp pháp luật. Song song đó là tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật cho bà con, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật do Sở Tư pháp phối hợp các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức, các đại biểu được báo cáo viên pháp luật phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở; tìm hiểu các kỹ năng trong công tác hòa giải; các quy định về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, kết hợp phổ biến các văn bản pháp luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội Khóa XV như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật có liên quan.

Với đối tượng là đoàn viên thanh niên, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hình thành thói quen “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” luôn được các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng quan tâm triển khai thực hiện nề nếp, hiệu quả. Tổ chức Đoàn các cấp đã nghiên cứu vận dụng linh hoạt, đa dạng nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Việc đổi mới nội dung, phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều kết quả nổi bật, phù hợp hơn với từng đối tượng đoàn viên, thanh thiếu nhi. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: hội thi, thi tìm hiểu nhanh, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, tuyên truyền lưu động tại các điểm trường học, khu vực đông dân cư, những xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số... 

Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục đổi mới các phương thức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, thực hiện có hiệu quả Đề án "Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân", góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Vân Anh và nhóm PV, BTV