Trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc là “chìa khóa” khởi tạo lại niềm tin, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chất lượng sản phẩm, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, truy xuất nguồn gốc còn giúp sản phẩm nông sản có được tấm “giấy thông hành” xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là những hàng hóa nông sản theo các tiêu chuẩn có uy tín như VietGap, GlobalGap, Organic.

W-Sonla.png

Thời gian qua, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác, Công ty TNHH Sorimachi tổ chức các lớp tập huấn online qua ứng dụng zoom cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh sử dụng các phầm mềm chuyển đổi số.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong nông nghiệp; những thuận lợi, khó khăn trong chuyển đổi số và đề xuất những giải pháp thúc đẩy số hóa trong quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản của tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số đến nhân dân, nâng cao nhận thức, hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp tiếp cận và thích ứng với các công nghệ số...