Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển cây ăn quả. Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc mà còn quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Việc xây dựng mã số vùng trồng giúp người dân Sơn La chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, có quy mô lớn nhờ: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất… Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng ngon, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

9 tháng năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đã cấp được 10 mã số vùng trồng nâng tổng số mã đang duy trì lên 216 mã, trong đó: 205 mã số vùng trồng xuất khẩu tổng diện tích là 2997,55 ha; 11 mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt tổng diện tích là 150,45 ha. Trong 205 mã số vùng trồng xuất khẩu có 120 mã số xuất khẩu sang Trung Quốc; 31 mã số xuất khẩu sang Hoa Kỳ; 39 mã số xuất khẩu sang Úc; 09 mã số xuất khẩu sang Newziland; 03 mã số xuất khẩu sang EU; 03 mã số xuất khẩu sang các thị trường khác. Tổng số các loại cây trồng được cấp mã số xuất khẩu gồm: Xoài 69 mã số, nhãn 108 mã số, chuối 16 mã số, mận 05 mã số, mắc ca 01 mã số, thanh long 02 mã số, chanh leo 04 mã số. Cơ sở đóng gói nông sản đang duy trì 11 mã số gồm: Thành phố Sơn La 04 mã số, Mai Sơn 03 mã số, Sông Mã 01 mã số, Yên Châu 01 mã số, Mộc Châu 02 mã số. Các sản phẩm đóng gói gồm nhãn, xoài, mắc ca, chanh leo.

Thời gian qua, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn online qua ứng dụng zoom cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh sử dụng các phầm mềm chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu về mã số vùng trồng trên toàn tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn về thiết lập quản lý mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, mã số vùng trồng lĩnh vực trồng trọt cho thành viên của các tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời, triển khai hỗ trợ truy xuất nguồn gốc (tem nhãn) đối với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa tại các vùng nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số đến Nhân dân, nâng cao nhận thức, hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp tiếp cận và thích ứng với các công nghệ số... hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.