Sơn La là tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn chưa đồng bộ, còn nhiều khó khăn. Theo kết quả đánh giá sơ bộ thực hiện một số tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, thì tiêu chí số 2 - Giao thông mới chỉ có 70/188 xã, đạt tỷ lệ 37,23%.

Để đẩy mạnh thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã cân đối các nguồn lực triển khai thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn, đặc biệt tại các xã, bản đặc biệt khó khăn ở vùng đồng bào DTTS, miền núi và các xã điểm NTM. 

IMG_4730 NTM Sơn la used.jpg
Hiện nay, tỉnh Sơn La ưu tiên các nguồn lực tập trung xây dựng đường giao thông nông thôn, thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM. 

Tại huyện Phù Yên, để thực hiện tiêu chí số 2 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, hằng năm, huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, thống kê các tuyến đường cần xây dựng hoặc sửa chữa, nâng cấp, kịp thời bổ sung nguồn vốn phù hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, đồng thời tiếp tục vận động nhân dân hiến đất mở rộng mặt đường.

Huyện tập trung ưu tiên làm các tuyến đường liên bản ở các xã vùng sâu, vùng xa chưa cứng hóa, với phương châm làm tới đâu, đảm bảo chất lượng đến đó. 

Vì thế, sau một thời gian triển khai thực hiện, đến nay, huyện Phù Yên đã bê tông hoá được hơn 800km đường giao thông nông thôn, đạt 70% tổng chiều dài các tuyến đường cần xây dựng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 3.000 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 100 tỷ đồng và hiến trên 20.000m2 đất để làm các tuyến đường trục bản và nội bản. 

Huyện Phù Yên cho biết, năm 2024, huyện có 81 tuyến đường được triển khai xây dựng, với tổng chiều dài 35,4km.

Tại huyện Mai Sơn, thực hiện chủ trương vận động toàn dân tích cực tham gia chỉnh trang hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, từ năm 2023 đến nay, toàn huyện có 3.550 hộ ở 203 thôn, bản đã hiến gần 503.000 m2 đất mở mới, mở rộng các tuyến đường, với tổng chiều dài gần 269,8 km. Không chỉ tập trung mở rộng các tuyến đường liên bản, nội bản, các địa phương huyện Mai Sơn còn triển khai, mở rộng các tuyến đường nội đồng, đường ra khu sản xuất.

Hơn 10 năm trước, từ trung tâm huyện Sốp Cộp phải vượt gần 30km đường đất ghập ghềnh, nhất là vào những ngày mưa thì phải mất nửa ngày mới đến được xã Mường Lạn, một xã biên giới, vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện. Thế nhưng hiện nay, về Mường Lạn mới thấy có nhiều đổi thay từ hệ thống cơ sở hạ tầng đến các tuyến đường giao thông nông thôn được mở rộng và bê tông hoá rất thuận tiện.

Năm 2015, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã Mường Lạn đã tranh thủ huy động sức mạnh toàn dân, vận động nhân dân hiến đất mở đường, góp công để đổ bê tông đường. Đến nay, xã đã có hơn 30 công trình được đầu tư, xây dựng; nhân dân hiến hơn 5.000 m² đất, đóng góp xây dựng hơn 25 km đường nông thôn. Hiện nay, 100% đã có đường ô tô đến bản.

Đây chỉ là một trong số 4 xã biên giới của huyện những năm qua đã được đầu tư đường giao thông nông thôn góp phần thay đổi bản sắc, diện mạo nông thôn mới ở vùng biên giới.

Theo ông Lò Văn Thành, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sốp Cộp, từ năm 2012 đến nay, huyện đã hoàn thành gần 1.410 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 180km, tổng kinh phí trên 108 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ gần 31 tỷ đồng, nhân dân đóng góp tiền, vật liệu và hàng nghìn ngày công lao động, tổng trị giá trên 77 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ năm 2022 đến nay, huyện đã đổ bê tông 15 tuyến đường, dài gần 42km, tổng chi phí đầu tư trên 120 tỷ đồng; hiện nay, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 12/15 tuyến đường; phấn đấu đến hết năm 2025, huy động các nguồn lực để bê tông trên 40 tuyến đường nội bản, liên bản, liên xã, với chiều dài hơn 20km.

Với mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ, huyện Sốp Cộp tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia và vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững.

UBND tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện chương trình cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã, đến nay số xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 199/204 xã (đạt 97,5%).

Từ năm 2022 đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh đã thực hiện cứng hóa được 329 tuyến/193,81km với tổng kinh phí đầu tư 303,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 242,5 tỷ đồng và nhân dân đóng góp được 60,7 tỷ đồng. 

Hiện toàn tỉnh có 79 xã đạt tiêu chí số 02 về giao thông theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; có 37 xã đạt theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", Sơn La phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 83 xã đạt chuẩn NTM; 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; giai đoạn 2024 -2025, tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu cứng hóa khoảng 499,4km đường giao thông nông thôn để toàn tỉnh có thêm 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.