Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc Hợp tác xã cà phê Bích Thao, sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Sơn La đạt chuẩn 5 sao chia sẻ, để có sản phẩm chất lượng, 100% cà phê hợp tác xã sử dụng phải là loại chín đỏ, thu hái, sơ chế theo quy trình và được phơi trong nhà kính. 

Để sản xuất trà quả cà phê, cà phê sẽ được thu hái từ 9 - 10 giờ sáng và 15 - 17 giờ chiều, đảm bảo giữ được lượng đường tự nhiên có trong vỏ cà phê. Cà phê thu hái về sẽ được rửa, hong khô từ 3 - 4 giờ rồi thực hiện tách vỏ. Công đoạn tách vỏ không sử dụng nước như quy trình sản xuất truyền thống nên tránh gây ô nhiễm môi trường. Vỏ cà phê được sản xuất thành trà, nhân dùng để chế biến cà phê mật ong.

Năm 2021, sản phẩm cà phê bột nguyên chất Bích Thao đã vượt qua nhiều ứng cử viên và được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Từ đây, hợp tác xã đã tạo việc làm cố định cho 10 công nhân trên địa bàn với mức lương 5 – 7 triệu đồng/người.

Giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Sơn La đến với người tiêu dùng.

Với tiềm năng, thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, toàn tỉnh Sơn La có hàng trăm sản phẩm đặc trưng có giá trị kinh tế và có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đánh giá lợi ích của việc tham gia Chương trình OCOP, tỉnh đã ban hành Đề án Mỗi xã một sản phẩm, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP.

Theo đó, các huyện, thành phố khảo sát, lựa chọn các sản phẩm nông sản đặc trưng, có lợi thế để đưa vào đề án chung của tỉnh. Nhiều địa phương đã chủ động mời chuyên gia tư vấn về nội dung, ý nghĩa, tiến trình thực hiện Chương trình OCOP phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế; tuyên truyền, hướng dẫn các xã lựa chọn, đăng ký các sản phẩm thế mạnh, có thể tham gia Chương trình OCOP.

Trong 83 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 30 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 52 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Các sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến như cà phê bột nguyên chất, trà vỏ cà phê; cá tép dầu; chè Trọng Nguyên; mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược; trà xanh mây; hồng giòn sấy dẻo; ống hút tre Bình Mình; gạo nếp tan Ngọc Chiến; ống hút, cốc, dao, thìa dĩa tre Gia Phát…

Sau quá trình triển khai, Chương trình OCOP đã tạo cơ sở để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm của địa phương. Đồng thời, tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm.

Các ngành chức năng đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện các chuyên trang, chuyên mục để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước biết và kết nối tiêu thụ.

Giai đoạn 2022 - 2030, tỉnh Sơn La phấn đấu có từ 150 - 200 sản phẩm OCOP; trong đó, 100 - 120 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao cấp tỉnh; 20 - 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao cấp quốc gia; 100% các xã đăng ký tham gia vào Chương trình OCOP. Từng bước xây dựng sản phẩm OCOP Sơn La thành thương hiệu có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước hướng tới xuất khẩu.

Để phát triển sản phẩm OCOP, bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã cũng được tỉnh xác định là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 6 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền tại các huyện Mộc Châu, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và thành phố Sơn La.

Hiện thực hóa mục tiêu đó, thời gian tới, các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ đó, khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Ngành nông nghiệp thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho chế biến sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhân rộng các mô hình phát triển sản phẩm OCOP, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, Sơn La tiếp tục tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham dự, trưng bày, giới thiệu sản phẩm cũng như ký kết các hợp đồng chế biến, tiêu thụ tại các hội nghị kết nối giao thương, tuần hàng nông sản an toàn, hội chợ, triển lãm các sản phẩm nông nghiệp…

Phối hợp với các các tỉnh, thành phố có tiềm năng tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An... để kết nối đưa các sản phẩm nông sản vào tiêu thụ tại các khu công nghiệp, các hệ thống phân phối lớn, các chợ, các siêu thị, các bếp ăn tập thể, nhà hàng...

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng những kết quả bước đầu đạt được, để Chương trình OCOP đạt kết quả cao đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, địa phương và đặc biệt là các chủ thể thực hiện cùng chung tay triển khai có hiệu quả chương trình. Đó sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn và là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững ở Sơn La.

Khánh Hòa và nhóm PV, BTV