Ngày 1/3, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học “Tổ Như Trừng Lân Giác và sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam".
Tại hội thảo, Hòa thượng - Tiến sĩ Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Liên Phái (Hà Nội) cho biết, Tổ Như Trùng Lân Giác (1696-1733), thế danh là Trịnh Thập. Ngài là đời thứ 37 tông Lâm Tế.
Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã tỏ ra là người thông minh, học rộng biết nhiều. Khi trưởng thành, lại hội đủ tài, đức nên vua Lê Hy Tông đã gả con gái cho Ngài và cấp một khu đất rộng ở tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên.
Một lần, Ngài sai người đào gò đất trong khu đất được vua cấp để làm ao thả cá thì thấy bông sen lớn, Ngài cho là điềm xuất gia. Sau đó, Ngài đã đổi nhà làm chùa, đặt tên là chùa Liên Hoa (chùa Hoa Sen) nay là chùa Liên Phái, Hà Nội. Sau đó, Ngài xin vua Lê Hy Tông xả tục xuất gia và được nhà vua chấp thuận.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Minh Nga - Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định: "Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức hội thảo này rất có ý nghĩa về mặt tôn giáo, văn hoá, lịch sử đối với xã hội hiện nay. Sự đóng góp của dòng chảy sơn môn nói chung và sơn môn Liên Phái nói riêng đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam rất to lớn. Đây cũng là một trong tứ trọng ân của Phật giáo, nhằm ghi nhớ, tỏ lòng thành kính công ơn của các chư Tổ để lại.
Sơn môn chính là nền tảng, là căn cốt cho sự tồn tại và phát triển của Phật giáo Việt Nam, là gốc rễ để duy trì và tiếp nối các truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị theo thời gian”.
Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chư tôn đức, tăng, ni đã trao đổi, tham luận về cuộc đời, đạo nghiệp, hành trạng, những di sản và đóng góp của Tổ Như Trừng Lân Giác nói riêng, về chùa và sơn môn Liên Phái nói chung với nhiều phát hiện mới, tư liệu mới.
Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận những đóng góp của Tổ Như Trừng Lân Giác và sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Hoà thượng nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển của sơn môn Liên Phái: "Trong quá trình xuất gia và hành đạo, cuộc đời của Tổ Như Trừng Lân Giác tuy không dài nhưng những di sản mà tổ để lại vô cùng đồ sộ. Di sản đó không chỉ là những ngôi chùa do ngài xây dựng, những đệ tử mà ngài đào tạo, những tác phẩm Phật giáo mà còn là việc hình thành một sơn môn Phật giáo tồn tại trên 300 năm với nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc".