Ngôi nhà cuối cùng của cha nằm cạnh con sông Cái của Nha Trang. Con sông chảy ngang thành phố lặng lờ, êm ả, khi thủy triều lên mới thấy những con sóng chen chúc như muốn đẩy nhau theo ra biển.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Nhà cũ - bến sông xưa của tác giả Lưu Cẩm Vân.
Cha tôi là một người rất nghệ sĩ, cha thích sự dịch chuyển nên không muốn ở lâu một chỗ. Trong suốt cuộc đời mình ông đã năm ba lần đổi nhà từ chỗ này đến chỗ khác. Ngôi nhà cuối cùng của cha nằm cạnh bên con sông Cái của thành phố Nha Trang, là một ngôi nhà gỗ nằm một nửa trên bờ và nửa còn lại là ngôi nhà sàn nằm hẳn trên mặt sông. Gia đình tôi dọn đến ngôi nhà này khi tôi mới bước vào năm đầu bậc Trung học, vừa đủ tuổi để nhận ra đôi điều thú vị khi về nhà mới.
Quê nhà tôi là một thành phố nhỏ nhưng rất xinh đẹp nằm sát biển, còn nhà mới của gia đình tôi nằm ở một mé sông, về phía con sông đổ ra cửa biển. Ban đầu, mẹ tôi phản đối khi cha tôi ngỏ ý về đây, lý do của mẹ là nhà ở trên mặt sông rất nguy hiểm, khó khăn để trông coi bầy trẻ nhỏ, nhất là hàng ngày cha mẹ tôi phải ra ngoài kiếm tiền. Nhà tôi có 3 chị em, 2 đứa con gái đầu là chị hai và tôi với thằng út chưa được 10 tuổi. Nhưng cha tôi là một người quyết đoán nên cuối cùng gia đình chúng tôi đã dọn về ở đây và thật bất ngờ đây là nơi ở lâu nhất của chúng tôi.
Mỗi ngày khi cha đi làm, mẹ ra chợ còn chị em tôi đến trường, buổi trưa 3 chị em ở nhà, ngôi nhà mới có tiếng nói cười và đôi khi là tiếng cãi nhau. Trước khi ra khỏi nhà bao giờ mẹ tôi cũng dặn đi dặn lại nhiều lần, là chị em tôi không được ra trước sàn nhà nơi gần mé sông. Mẹ nói, không có đứa nào biết bơi, lỡ té xuống sông thì không có ai cứu. Nhưng thằng út là đứa không nghe lời, lúc nào cũng nhăm nhe trèo xuống mấy chiếc thúng chai người ta neo dưới chân nhà. Cả ngày tôi cứ phải trông chừng, ngăn cản và cãi vã với nó.
Hai đứa con gái không quan tâm đến chuyện phải bơi thuyền thúng hay tắm sông như thằng út, chị em tôi hay nói chuyện về con sông chảy ngang nhà. Con sông chảy ngang thành phố, từ bên này nhìn qua bên kia sông không rộng lắm, nhưng lòng sông đầy đặn. Tuy gần cửa sông nhưng mặt sông lặng lờ, êm ả ngoại trừ vào buổi chiều khi thủy triều lên mới thấy những con sóng chen chúc như muốn đẩy nhau theo ra biển.
Ở khoảng sàn trống dùng làm nhà bếp khá rộng đủ cho tôi đong đưa trên võng học bài trong những lúc nấu cơm. Những buổi chiều rất dài và khi mặt trời nghiêng về phía tây, gió rất mát, tuổi nhỏ cũng không vướng bận gì nên đó là lúc mà tôi thường ngồi bệt trên sàn, dựa vào cái lan can gỗ ngó mang mang về phía bên kia sông với những căn nhà gỗ cắm chân vào dòng sông y hệt bên này. Tôi vẫn thường tự hỏi bên trong những cánh cửa người ta đang làm gì, vì tầm nhìn khá xa nên không thấy ai ra vào bên ấy.
Lúc mặt trời chỉ còn là cái bóng tròn màu cam, có khi ngả sang đỏ dần dần chìm xuống phía đầu sông, tiếng xe máy của cha tôi dừng trước cửa. Tôi chưa bao giờ được trọn vẹn nhìn thấy lúc mặt trời chìm hẳn xuống sông thì cảnh ấy sẽ như thế nào.
Mỗi ngày chỉ có bữa cơm tối là được đông đủ mọi người trong nhà. Mẹ tôi thường về trễ, khi mẹ về tới nhà chị em tôi mới soạn giỏ lấy thịt cá rau củ để nấu bữa tối. Buổi chiều tôi đã nấu trước nồi cơm, nên chị Hai chỉ cần nấu mấy món ăn mẹ dặn, tôi chỉ việc phụ chị rửa rau hay giã thêm chén mắm.
Cơm tối được dọn trên mâm và bê ra đặt trên tấm chiếu mà thằng út trải sẵn giữa sàn nhà bốn bề lồng lộng gió sông. Đó là lúc nhà tôi ồn ào nhất, tiếng mẹ kể chuyện một ngày ngoài chợ, tiếng cha thường là một chuyện thời sự nổi nhất trong ngày. Có khi cha còn ngẫu hứng đọc một bài thơ sau khi uống một ly rượu nhỏ. Ít khi nghe chị Hai nói gì, hình như con gái khi bắt đầu lớn thường điệu đàng kín đáo như thế, hay là vì mẹ thường nói con gái phải thế này thế kia mà chị phải giữ gìn. Tôi khi đó cũng còn nhỏ nhưng không thích nói chuyện lắm, nên chỉ nói hùn với mọi người khi có chuyện gì vui.
Những bữa cơm tối đầm ấm vui vẻ ấy là điều mà tôi nhớ lâu lắm cho đến về sau này, nhất là những đêm có trăng, vừa ăn cơm vừa nhìn ra mặt sông lấp lánh ánh trăng, lòng cứ lắng lại một cảm xúc khó tả. Về sau này, tôi nhớ lại mà nghĩ rằng chính khoảng sông chứa đựng những ánh trăng đó, đã sớm cho tôi biết trân trọng những khoảng đời bình yên của gia đình.
Nhưng có một đêm trăng khoảng sông sau nhà tôi ồn ào như sấm dậy, buổi chiều đó mẹ về sớm, không thằng út ở nhà nên đi tìm và phát hiện thằng út đang ở trên chiếc thuyền thúng của nhà hàng xóm với mấy đứa bạn. Mẹ chưa bao giờ đánh con, nhưng hôm đó thằng út đã bị mấy cán chổi lông gà sưng cả mông. Sau khi bị đòn, thằng út kể là nó đã bơi thuyền thúng nhiều lần và cũng đã biết bơi. Về sau, trong nhà tôi thằng út là người bơi giỏi nhất, mẹ không còn cấm nó tắm sông, chỉ dặn nó là không được tắm sông một mình.
Thằng út cũng là người dạy bơi cho tôi để tôi làm bạn tắm sông với nó cùng lũ bạn trong xóm cho tới khi tôi cảm thấy mình đã lớn, tóc tôi dài ngang lưng. Tôi đã là thiếu nữ.
Không còn là con nhóc 11, 12 tuổi, tôi quan tâm đến dòng sông sau nhà theo cách khác. Tôi không còn tò mò nghĩ rằng người trên dãy nhà bên kia sông làm gì mà chỉ thích nhìn theo những con thuyền nhỏ thường lẻ loi một mình trên sông vào lúc chiều chạng vạng. Những con thuyền trôi lững lờ vào lúc thủy triều lên không phải để làm thơ, mà là thả lưới mưu sinh. Phía trên kia một chút sau này người ta bắt đầu mở những quán ăn, cứ mỗi tối thả ra sông những giọng hát hay dở thất thường làm cho con sông không còn yên tĩnh như xưa.
Tôi lại nhìn thấy phía đầu sông có một cây cầu sơn màu trắng bắc ngang, cha tôi nói đó là chiếc cầu dành cho tàu lửa. Phía ấy khá xa nên tôi không thể nghe được tiếng tàu lửa chạy qua sông, nhưng cây cầu màu trắng nổi bật trên màu xanh của dòng sông và màu xanh của rừng cây lại là một hình ảnh kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên.
Thời thơ dại của tôi êm đềm trôi qua cùng dòng chảy của con sông. Một đêm giao thừa dãy nhà trên sông bên kia bỗng cháy, ngọn lửa bùng lên nhanh chóng đỏ rực cả một khúc sông. Đám cháy lớn quá không dập tắt được đã cháy đến tận gần sáng mồng một Tết. Đó là một cái Tết buồn cho cả thành phố. Người ta di dời dân đến nơi khác định cư, và khúc sông có nhà cao chân phía bên kia sông không còn nữa.
Sau đó không bao lâu, cha mẹ tôi lại dời nhà vào trong thành phố. Ngôi nhà cũ và khoảng thời gian sống ở đó dần dà phai nhạt dần trong trí nhớ của tôi. Nhưng không nhắc không phải là đã quên, tôi có vài lần trở lại chỗ cũ, nhưng mọi thứ đã thay đổi đến ngỡ ngàng. Dãy nhà cao chân ở sông bên này cũng không còn, thay vào đó là một đường lớn rộng rãi có đặt mấy cái bồn hoa vàng rực rỡ. Chỗ con sông gặp biển bây giờ là một cao ốc nằm trong một công viên đẹp đẽ, thoáng mát, chiều chiều người lớn trẻ con tụ tập chơi đùa tận hưởng những cơn gió mát từ biển thổi vào.
Thành phố của tôi từng ngày đã lớn lên, thay đổi cũng nhiều nhưng dòng sông vẫn thế, vơi đầy theo những con sóng. Mỗi khi đi qua con đường mới ấy, bao giờ tôi cũng tìm lại nơi mà ngày xưa đã từng là nhà của mình. Chỉ là áng chừng thôi chứ không thể xác định đâu là nơi mình đã từng ngồi học bài, đã từng là nơi cả nhà cùng nói cười vui vẻ trong những bữa cơm chiều. Dù vậy trong lòng tôi, hình ảnh mé sông xưa vẫn luôn sinh động như thể mọi điều chỉ vừa mới hôm qua. Con sông Cái vẫn miệt mài đưa nước ra biển, là ký ức của tuổi thơ tôi và là nơi của bao cuộc mưu sinh.
Lưu Cẩm Vân
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.