Từ lâu đã thành thông lệ, sau màn đọc "kính thưa", "kính gửi" của vài quan chức, diễn đàn trao đổi ngay lập tức được dựng lên và vận hành bởi số ít nhà khoa học "lão làng"tóc đã muối tiêu.

Nhiều nghiên cứu đã ca ngợi tập quán "trọng xỉ" như nét đẹp văn hóa của người Việt. Ấy là việc dành kính trọng, ưu tiên cho người già. Điều này thể hiện qua nhiều thế ứng xử như dành chỗ ngồi trang trọng nhất, lễ mừng thọ hay tiếng nói của họ luôn có trọng lượng... Tập quán này phổ biến ở nhiều cộng đồng khác ở nước ta cũng như trên thế giới và đây được coi là nét văn hóa đặc trưng, phổ biến ở xã hội nông nghiệp.

Đây là một giá trị văn hóa nhân văn, cần được lưu giữ. Điều cần bàn ở đây là việc làm sao để nét đẹp ứng xử này không bị lạm dụng, thành vật cản cho phát triển bởi trong nhiều trường hợp, tâm lí trọng tuổi tác đã bị biến tướng.

{keywords}

"Ma cũ" và "ma mới"

Như một thứ thông lệ ở nhiều nơi, kẻ vào sau luôn phải "nhún nhường" với người trước. Ở  chừng mực nào đó, thâm niên công tác như một thứ quyền lực vô hình, mặc nhiên gắn với đâu đó đặc quyền nhất định dù cho trong khá nhiều trường hợp, người có ít thâm niên hơn lại có năng lực, những đóng góp cụ thể và hiệu quả hơn.

Ở nhiều cơ quan, việc xét lên lương trước hạn hay đi nước ngoài từ lâu ngầm định ưu tiên cán bộ có thâm niên hay sắp về hưu. Nghịch lí ở chỗ việc này cứ "tự nhiên" được quyết định mà không gặp bất cứ ý kiến phản biện nào. Nhiều trường hợp người được xét lên lương không có thành tích gì nổi bật; người được cử đi nước ngoài không có chuyên môn phù hợp, không có đủ trình độ ngoại ngữ. Tiền thuế của dân hồn nhiên được sử dụng mà hiệu quả đem lại cứ thầm lặng đến vô cùng...

Việc thi nâng ngạch ở nhiều cơ quan khoa học cũng vậy. Hệ số lương được coi như một trong yêu cầu bắt buộc, quyết định đến việc ai đó có đủ tiêu chuẩn thi hay không. Mà hệ số lương thì đa phần đồng nghĩa với số năm công tác. Dẫn đến không ít cán bộ trẻ có năng lực, có thành tích nhưng vẫn phải "sống mòn" đếm thời gian đến ngày lên lương và do đó, đồng lương của họ thấp hơn so với đâu đó nhiều đồng nghiệp có thâm niên hơn dẫu cho cống hiến cả vô hình và hữu hình của người "đứng sau" lại vượt trội so với của kẻ "ngồi trước". Thời gian thì trôi chậm và lòng người cứ phân ưu.

Rồi nữa, trong nhiều hội thảo khoa học, từ lâu đã thành thông lệ, sau màn "kính thưa" của vài vị quan chức, diễn đàn trao đổi ngay lập tức được dựng lên và vận hành bởi số ít nhà khoa học "lão làng". Đa phần những trao đi đổi lại này chỉ diễn ra giữa một nhóm nhà khoa học chí ít thì tóc cũng đã muối tiêu và càng đáng tiếc hơn khi đa phần người nghe cứ mệt nhoài đến độ lạc lối nếu muốn tìm kiếm những điều mới mẻ từ các thảo luận đó. Cán bộ trẻ nên ngoan ngoãn ngồi tít phía sau, tốt nhất là im lặng mà nghe hay làm gì khác thì tùy miễn là đừng có ý kiến này, ý kiến nọ. Chân lí chưa bao giờ sẵn sàng nhìn về phía tương lai mà dường như vẫn còn mải chìm đắm đâu đó trong hào quang quá khứ?

Để măng mọc khi tre chưa già

Cổ nhân đã từng dạy “con hơn cha là nhà có phúc” và vị GS lừng danh Trần Quốc Vượng đã “chua” thêm một câu là “trò hơn thầy, đức nước càng dày”.

Thông điệp gửi gắm quá rõ: một xã hội chỉ phát triển khi thế hệ sau tiến xa hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn. Điều này đúng ra phải là hiển nhiên bởi lớp đi sau được kế thừa từ người đi trước, có nền móng nhất định để tiếp bước, phát triển hơn.

Lí thuyết là vậy nhưng trên thực tế, để “măng mọc” trước khi “tre già”, một trong những việc cần làm là thay đổi quan niệm “sống lâu lên lão làng” hay tránh đồng nhất tuổi tác với các giá trị khác. “Manh áo” chẳng bao giờ làm nên “thầy tu”, tuổi tác không nhất thiết phải là sự bảo đảm cho chân lí. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong phạm vi các cơ quan khoa học.

Sẽ là một cú hích quan trọng cho hoạt động nghiên cứu khoa học nước nhà nếu có những chính sách đặc thù, khuyến khích, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát triển. Cứ nhìn quy định thi nghiên cứu viên, giảng viên chính hay cao cấp hiện nay sẽ thấy sự bất cập của nó đã hạn chế các nhà khoa học trẻ thế nào.

Muốn thi từ nghiên cứu viên lên nghiên cứu viên chính, ứng viên phải có 9 năm công tác liên tục, với hệ số lương tối thiểu là 3,66. Yêu cầu này là 6 năm ở ngạch nghiên cứu viên chính đối với ứng viên muốn thi lên bậc cao cấp. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại cứ phải là 9 năm ở bậc này và 6 năm với bậc khác?

Ai cũng biết rằng cùng trong khoảng thời gian ấy, mỗi nhà khoa học, do nhiều lí do  có thể sức cống hiến khác nhau. Thành tựu khoa học của một người 25 tuổi vì thế không nhất thiết phải ít hơn so với đồng nghiệp 35 tuổi.

 Gần đây, một dự thảo mới được xây dựng, đề xuất cứ ai có bằng tiến sĩ sẽ được mặc định chuyển lên bậc “chính” hay từ phó giáo sư trở lên sẽ tự động được coi là bậc “cao cấp”. Và thế là tấm áo tuổi tác được thay bằng tấm áo học vị. Thay vì “sống lâu lên lão làng”, người ta rồi đây sẽ đua nhau “làm” tiến sĩ, phó giáo sư để được nâng ngạch, vừa oai, vừa tự động được tăng lương…

Một thực tế buồn là chúng ta có quá ít quỹ tài trợ nghiên cứu dành cho các nhà khoa học trẻ trong khi điều này khá phổ biến ở nhiều nước. Hầu hết các đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu do chính phủ tài trợ hiện nay quy định học hàm, học vị, ngạch nghiên cứu nhất định. Nghiên cứu viên thì đương nhiên không được giao chủ nhiệm đề tài cấp bộ là một ví dụ. Điều này dẫn đến một hệ quả nguy hại là nhiều nhà khoa học trẻ không có cơ hội, nguồn lực cần thiết để tổ chức nghiên cứu theo hướng mình say mê. Sức trẻ, sự nhiệt huyết, tính sáng tạo, tất cả nội lực của họ phần lớn chỉ dùng vào việc “điếu đóm” trong các đề tài do người khác chủ nhiệm. Nhiều khi nằm ngoài hướng quan tâm của họ.

“Măng” chưa mọc, làm sao có “tre”?

Một nền khoa học phát triển cần có các chính sách cụ thể khuyến khích sự phát triển của giới trẻ. Điều đó đảm bảo không chỉ tính kế thừa, liên tục mà còn sức sáng tạo, lan tỏa, phát triển cho không chỉ nền khoa học mà cả xã hội.

Đã và đang có nhiều đề nghị tăng thời gian làm việc cho các nhà khoa học có học hàm, học vị, còn khả năng, sức lực cống hiến. Nếu chính sách này bị lợi dụng không đúng đối tượng sẽ vô tình kìm hãm cơ hội phát triển của người trẻ.

Tấm áo tuổi tác, giống như học hàm, học vị vì thế không và đừng bao giờ trở thành vật trang trí. Lịch sử nhân loại đã minh chứng đấy thôi. Bao phát kiến vĩ đại được viết nên bởi những mái đầu xanh. Nhiều trong số họ còn chưa kịp có bất cứ học hàm, học vị gì để lưu danh hậu thế.

Nguyễn Công Thảo