Khi ngồi trên chiếc ca nô xuất phát từ Bến Bạch Đằng theo thủy trình đến Thiềng Liềng, chúng tôi hỏi nhau, nếu đi hết con sông này, dòng trôi dẫn chúng tôi về đâu?
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Lòng Tàu: Nơi con sông ở lại của tác giả Tống Phước Bảo.
Tôi, sinh ra và lớn lên trên thành phố nắng ấm phương Nam này, hơn 40 năm tuổi vẫn chưa đi trọn những con sông của phồn hoa thị thành.
Thành phố mang tên Bác đã hơn 300 năm tuổi vẫn là thành phố của sông nước với 3 con sông lớn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè tạo thành 4 tuyến sông chính là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu, Soài Rạp tỏa ra hơn 1.000km đường thủy nội địa bằng nhiều tuyến kênh đi sâu vào nội đô, đi qua các khu vực đẹp, đi đến với nhiều phận người lấy sông làm nhà, lấy sóng nước làm nghề mưu sinh. Hệ thống kênh rạch thuận tiện nối liền thủ phủ kinh tế của dải đất hình chữ S này với hàng loạt tỉnh thành công nghiệp vệ tinh như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chiếc ca nô lướt sóng trong một sáng thành phố hanh nắng. Lần đầu tiên, chúng tôi, những thị dân mới ngắm nhìn thành phố từ mênh mang sóng nước. Dọc hai bên bờ là những tòa nhà cao vợi, những công trình hối hả. Từ góc nhìn này, thành phố bát ngát và bao la hơn. Bến Nhà Rồng, Tân Cảng, đảo Kim Cương, cầu Phú Mỹ, kho xăng dầu Nhà Bè… Những địa danh quen thuộc hiện lên từ phía sông như một minh chứng cho sự phát triển không ngừng của đất này. Gần 50 năm nối liền một dải non sông, thành phố như nảy mầm từ những tinh hoa hội tụ.
Đoạn tiếp giáp giữa sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, nhìn những chuyến tàu hàng đang nhộn nhịp neo đậu, tôi thấy lòng sông chở đầy câu chuyện kinh tế của đại đô thị lớn nhất nước. Ngay lúc đó, tôi biết, sông không chỉ vơi đầy lớn ròng, sông không chỉ bồi lở phù sa, sông không chỉ là nước, mà sông là những câu chuyện.
Con sông Nhà Bè chia hai nhánh rẽ là sông Soài Rạp và Lòng Tàu. Trên thủy lộ Lòng Tàu, chúng tôi ngang qua rừng Sác, cánh rừng ngập mặn này là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Hàng đước xanh thẳng tắp và ngút ngát trải dài theo sóng nước Lòng Tàu. Con sông này không chỉ ôm vào lòng những đước, những mắm, những bần mà trong quá khứ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lòng Tàu còn là một dòng chảy lịch sử hào hùng ẩn vào phù sa. Nói như Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước, tức ông Bảy Ước, người anh cả của đặc công Rừng Sác thì con sông Lòng Tàu như người mẹ, ôm vào lòng những đứa con của đôi bờ độc lập.
Trong cuộc chiến nội đô Sài Gòn của hơn 50 năm trước, dẫu ít được nhắc đến nhưng chiến khu Rừng Sác, nơi đóng quân của Trung đoàn 10 đặc công, là căn cứ nổi trên sình lầy nước lợ vô cùng gian nguy nhưng lại có được những chiến công hiển hách. Căn cứ nổi này lấy con sông Lòng Tàu làm gốc, lấy rừng ngập mặn làm lá chắn, nên việc tiếp tế của ta cho chiến sỹ ở đây cũng rất khó khăn. Có những thời điểm, nhiều tháng trời, các chiến sỹ phải hái ngọn chà là, rau kìm, đọt ráng và mò cua bắt ốc để cầm hơi. Dẫu thiếu khó vô vàn nhưng từ con sông này, các đặc công đã tạo nên những trận đánh dữ dội, khiến quân địch xem như cái gai khó nhổ. Trong kí ức của anh hùng Bảy Ước, khi nhắc lại con sông Lòng Tàu là nhắc đến trận đánh vang dội như bắn pháo vào lễ đài mừng ngày quốc khánh 1-11- 1966 tại Nhà thờ Đức Bà; phá hủy 200.000 trái bom tại trận đánh kho bom thành Tuy Hạ (1972), đốt 14 triệu lít xăng của kho xăng Nhà Bè (1973) và đánh cháy, đánh chìm hàng trăm tàu giặc các loại trên sông Lòng Tàu, nơi bến cảng Nhà Bè, tiêu diệt hơn 6.000 tên giặc xâm lược.
Sau ngày thống nhất đất nước, trong chương trình nhân đạo MIA (Cơ quan Tìm kiếm Quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam), lần đầu tiên những người thuộc hai chiến tuyến ngồi lại, ăn và ngủ cùng nhau, đi dọc các chiến trường vì một mục đích cao cả. Mọi thù địch bây giờ như vô nghĩa trước tình người. Người với người thương nhau mà sống. Như con sông Lòng Tàu vẫn giữ nơi đáy nước trăm ngàn thân phận. Bên này hay bên kia cuộc chiến, mẹ trùng dương vẫn gói trọn vào lòng mình.
Ngày đó, có một đoàn chuyên gia của Mỹ tìm gặp ông Bảy Ước để hỏi về việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ bị chết trong những vụ đánh chìm tàu của đặc công Rừng Sác. Nhưng, như những đứa con đã về sông mẹ, làm sao tìm được giữa bạt ngàn sóng nước nơi rừng thiêng này. Xác người hóa thành phù sa, anh linh hóa vào sóng nước. Đâu đó gần 800 chiến sĩ ta nằm xuống cũng chỉ quy tập được hơn 300 người. Phái đoàn Mỹ im lặng rồi mắt ai cũng đỏ hoe. Một sớm trời vừa ươm nắng, giữa dòng sông xưa cũ, những người Việt, những người Mỹ, ngồi chung trên một chiếc thuyền thả xuống dòng sông những vòng hoa viếng. Lặng lẽ mỗi người những suy nghĩ. Xuôi theo dòng, sông về chảy về đâu? Khi chúng tôi nghe chuyện kể từ dòng sông này, biến thiên thời cuộc đã trôi xa gần 50 năm, nhưng những câu chuyện trên sông Lòng Tàu chưa bao giờ cũ.
Sóng thác cũng chỉ như một chuyến đi về. Hợp tan tựa hồ trò dâu bể. Con sông này đâu chỉ là chia ly mà còn có hạnh phúc muộn mằn từ trong những đớn đau. Đó là câu chuyện cuộc đời của 2 số phận, 6 tháng vượt Trường Sơn bằng đường bộ, hội ngộ tại con sông Lòng Tàu, cùng chiến đấu cho lý tưởng vẹn nguyên bờ cõi nước nhà. Nhưng, trận càn ác liệt năm 1971, mưa bom dội xuống con sông Lòng Tàu đã cướp đi người vợ của Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước. Năm 1972, người Trung đội phó, người anh em kề vai sát cánh của ông Bảy Ước cũng đã vĩnh viễn ra đi. Thời khắc đó chỉ có tiếng kêu “Trời ơi” xé thấu cánh rừng ngập mặn. Hai gia đình tan nát, 6 đứa trẻ mồ côi, có đứa chỉ mới tròn tháng tuổi, còn chưa một lần nhìn mặt cha. Tàn cuộc chiến, khi con sông Lòng Tàu im bặt tiếng súng, ông Bảy Ước gá nghĩa cùng cô Vân, vợ của người em Trung đội phó, như một phần gắn kết để những đứa trẻ đủ đầy cha mẹ. Từ bi thương tột cùng, cuộc đời luôn biết nở ra những đóa hoa hạnh phúc. Ngày ông Bảy Ước mất, theo di nguyện, tro cốt ông đã được rải xuống sông Lòng Tàu như chặng cuối hành trình phần số, ông lại về cùng đồng đội, về cùng sóng nước mông mênh ký ức.
Chúng tôi đến ấp đảo Thiềng Liềng sau một tiếng rưỡi xuôi dòng Lòng Tàu. Ấp đảo thanh bình với cái gió mát rượi cùng những ruộng muối lấp lánh dát bạc theo con nắng đứng trời ngọ. Người đảo hiền lành sống bằng nghề muối truyền thống từ đó đến nay. Những ruộng muối thủ công nối tiếp nhau, bao quanh phần lớn diện tích đảo. Nếu đi theo hình oval, ôm trọn đảo vỏn vẹn 4km đường bộ. Trên những chiếc xe đạp, chúng tôi lang thang khắp đảo, giữa cái nắng, cái gió, cái tình thiệt thà chân chất của người đảo.
Sáng đặt đăng đặt đó bắt tôm bắt cá, trưa dẫn nước đắp bờ cào muối, chiều nhàn hạ với những bản đờn ca tài tử. Cuộc sống cư dân đảo nhỏ trên khúc sông Lòng Tàu bình dị khiến chúng tôi nao lòng. Họ sống và làm bằng cả những tâm hồn thuần túy là tình yêu với sóng nước xứ này. Ấp đảo vỏn vẹn hơn 200 hộ dân với chỉ tầm 1.000 người nhưng có hơn 400 ha muối, và hàng năm cho ra 20 ngàn tấn muối. Đời sông, đời muối và đời người quyện lấy nhau. Những tưởng dòng sông nước lợ này sẽ khiến đời dân đảo khó khăn cơ cầu, nhưng từ trong gian nan, lòng người bền chí sông cũng trổ ra những hạt ngọc dâng đời những mùa thảo thơm.
Xế con nắng trưa, chúng tôi đi vỏ lãi composite từ bến cầu Lòng Tàu, xuôi con nước ngát xanh để tận mắt chứng kiến ngọn núi độc nhất của TP.HCM. Mọi người trong đoàn đùa nhau ngọn núi Giồng Chùa này cao nhất Sài Gòn và thấp nhất cả nước. Bởi theo như đo đạc mới nhất thì ngọn núi này chỉ cao 15m. Đoàn người nối đuôi nhau trên các bờ ruộng muối để dẫn lên Giồng Chùa thể như một chuyến hành hương. Chúng tôi đi và lắng nghe sông hát, nghe muối thở, nghe đất nở ra những ngọt ngào yêu thương. Giồng Chùa hôm ấy, quan san nhuốm màu. Khối đá andezit nằm lọt thỏm giữa cánh rừng ngập mặn, bao quanh là đước, mắm, và bần. Câu chuyện chân tiên lưu vết hằn trên ngọn núi này, khảm vào tâm trí chúng tôi một điều gì đó như hồn thiêng những anh linh đã nằm xuống luôn giữ gìn bờ cõi, từng tấc đất, từng dòng nước mãi mãi là của nước Việt.
Theo dấu sóng nước, chúng tôi đến và thương. Những con sông lắt lẻo dòng trôi qua nhiều mảnh đất, qua nhiều thân phận để từ đó con người sống, sinh sôi và tựa đời mình vào sông. Mạch nguồn từ sông luôn chảy vào mọi ngóc ngách của đất. Cứ vậy, chúng tôi men theo nước, lần theo sông mà chứng kiến nhiều điều hay, nghe nhiều câu chuyện đẹp.
Tôi tin, ai cũng có một con sông trong hành trình đời mình. Ai cũng có một dòng trôi mênh mông ký ức trong tâm khảm mình. Sông không chỉ là nước, sông có thể dẫn mình tới rất nhiều điều mà chỉ khi thấu hiểu con nước bồi lở, vơi đầy, lớn ròng, thì chính chúng ta mới ngỡ ngàng dấu chỉ của sông để lại trong cuộc đời này.
Sông không bao giờ thiếu chuyện để kể. Trăm ngàn con sông trên khắp dải đất hình chữ S này là muôn vàn trầm tích nối dài từ thuở khai hoang cho đến ngày nay. “Đôi chân ta đi, sông còn ở lại”, câu trong bài hát “Một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khiến tôi suy nghĩ miên mải suốt thủy trình Lòng Tàu. Chuyện sông, chuyện người, chuyện đảo, chuyện muối, chuyện nào cũng tạo một xúc cảm đặc biệt trong tôi
Sông cũng như đời. Đời sông suy cho cùng cũng là đời người. Cạn cùng phận mình, miên miết qua tháng tháng năm năm, sông vẫn hiện hữu trong cõi đời và cuộc người.
Bằng cách này, hay cách khác.
Nhà văn Tống Phước Bảo
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.