Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông Sài Gòn chuyển mình vươn xa của Nhà văn An Bình Minh.

Đầu năm 1977, từ Hà Nội tôi chọn TP.HCM để chuyển công tác và cũng lấy đây làm chốn lập nghiệp sống đời. Một đêm mùa xuân năm 1977, tôi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, theo chỉ dẫn trước đó từ Hà Nội, tôi bám xe buýt trực chỉ về khu tập thể của sinh viên trường Đại học Kiến trúc đóng ở đường Nguyễn Huệ - một con phố lớn trung tâm của trung tâm Sài Gòn xưa và nay. Sớm hôm sau, tôi xuống đường “thám thính”, theo cái thói quen vẫn giữ được từ những lần hành quân trong chiến tranh khi đến một vùng đất mới. 

Vừa bước xuống đường, tôi như bừng tỉnh bởi một bầu không khí tinh khôi, trong veo, mát dịu đến độ có thể cảm nhận được nó qua ngũ quan trên khuôn mặt mình. Không khí tinh khiết trong lành như đang ngấm vào những mao mạch và lan tỏa khắp cơ thể cho ta luồng sinh khí lạ kỳ. Quả là một bầu không khí mà tôi chưa có được ở đâu trên cõi đời này. Rất nhanh, tôi hiểu đó là luồng không khí từ sông Sài Gòn thổi vào. Nó lan tỏa, tẩm ướp dãy phố Nguyễn Huệ một mùi hương thoang thoảng, dịu dàng, mát mẻ hòa vào ánh vàng lung linh của ban mai.

Phải rồi, thời phổ thông tiểu học ở Hà Nội, môn địa lý giúp tôi biết rằng, khí hậu của miền Bắc chịu ảnh hưởng của gió mùa từ lục địa thổi ra, còn miền Nam là ảnh hưởng từ gió biển thổi vào. Nghĩ vậy, tôi hít căng lồng ngực bất chấp vài ánh nhìn chia vui từ những người tản bộ cũng đang thưởng thức bầu không khí này. Nhất cận thị, nhị cận giang còn nơi nào vượng địa có cả hai yếu tố lợi thế để phát triển hơn ở mảnh đất này - TP.HCM cận kề con sông Sài Gòn với các chi lưu kênh rạch lớn nhỏ chằng chịt bao quanh thành phố... 

Buổi sáng hôm ấy, tôi - một người vừa đặt chân đến thành phố đã ngẩn ngơ trên bến Bạch Đằng hàng giờ. Đầu óc của tôi tràn ngập một nỗi niềm vẩn vơ không đầu không đuôi về một dòng sông trầm tích của huyền thoại và lịch sử xa xưa vọng về. Đâu là Bến Nghé đầy cá sấu giành chỗ trú đêm kêu lên như nghé lúc chiều tà... Và kia, trên bến dưới thuyền với những con tàu viễn dương đến từ vùng biển xa xôi; có con tàu nào đang đậu ở chính nơi mà chiếc Latouche Tréville năm xưa đã đưa chàng trai Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước... Vậy là cùng với cảm giác có một không hai về luồng khí biển trong lành, tôi bắt đầu để ý đến sông Sài Gòn từ lúc ấy.

Thế rồi chỉ nửa năm sau, tôi may mắn cùng nhóm văn nghệ sĩ đi du ngoạn trên sông theo lời mời của ông Trương Kỳ Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố. Chuyến đi có các nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Tuấn Kiệt - những người từng nổi danh trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” ở Sài Gòn. 

Có thể nói đó là một chuyến đi đặc biệt. Ngoài bia rượu và đồ mồi đặc sản sông nước hiếm hoi thời ấy thì còn có những thủ tục ngặt nghèo như bến đậu lên xuống, luồng tuyến di chuyển, phạm vi và thời gian tàu chạy trên sông… mà chỉ Giám đốc Sở Giao thông Vận tải mới có thể vượt qua. Nhưng phải công nhận đó là một chuyến đi thú vị. Ngoài chuyện trao đổi về phong trào văn hóa văn nghệ đang diễn ra ở thành phố thì chúng tôi chủ yếu là nghe ông Trương Kỳ Đức chia sẻ về khai thác lợi thế sông Sài Gòn cho du lịch. Đó là một ý tưởng táo bạo và mới mẻ, bởi ngành của vận tải của ông Đức khi ấy đang đầy rẫy khó khăn, thiếu xăng dầu phụ tùng thay thế khiến ô tô chạy than cổ lỗ là sáng kiến cứu cánh cho vận chuyển đường dài. Còn sông Sài Gòn lúc ấy đang ở trong một lưu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, dòng sông tối om vật vờ cỏ rác với hai bên bờ lởm chởm nhem nhuốc... Hỏi về huyện Duyên Hải - là huyện Cần Giờ sau này, gắn với đặc công Rừng Sác huyền thoại, là lá phổi quý hiếm của thành phố thì nơi đó đang là một vùng đất hẻo lánh, chỉ những người vì nhiệm vụ công tác và đời sống mưu sinh mới phải đến trên một con đường lầy lội cách trở... 

W-cau-thu-thiem-2-1.jpg
Sông Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Huế

Thế rồi dăm năm sau đó, sông Sài Gòn bắt đầu chuyển mình - đúng hơn là... “cựa mình” trong kế hoạch kết nối với vùng đất xa xôi phía cửa biển huyện Duyên Hải. Nhưng việc kết nối này lại được khởi đầu bằng... đường bộ với cây cầu Dần Xây và Sở Giao thông vận tải của ông Trương Kỳ Đức là đơn vị chủ công với những con tàu chở đất đá sang phía bên kia chi lưu sông Sài Gòn làm đoạn đường dẫn đến thị trấn Duyên Hải. Nhưng với tình cảnh khó khăn khi ấy, cây cầu Dần Xây đã chịu chung số phận chìm nổi đúng với nghĩa đen của cây cầu xây dần... dần để rồi khi cầu Dần Xây và con đường được hoàn thành thì từ Sài Gòn đến được Duyên Hải phải qua phà Bình Khánh và cầu Dần Xây vẫn mất 4 tiếng đồng hồ đi... dần - dần - sẽ tới nơi. Duyên Hải vẫn là một thị trấn bị bỏ quên và tất nhiên nhiều ấp đảo của huyện vẫn chưa được người thành phố biết đến. 

Khoảng 4 năm sau, ngày đất nước đổi mới, thì sông Sài Gòn mới chính thức được chuyển mình bằng các sản phẩm kết nối vươn xa mở đến các vùng cư dân ven sông. Thoạt đầu là hai con tàu cao tốc chở hành khách chạy tuyến Sài Gòn - Vũng Tàu được coi là tân kỳ hiện đại. Và tôi lại là người có mặt đầu tiên trên chuyến tàu này. Đây là hai con tàu nhập từ Liên Xô đã từng chạy hàng chục năm trên sông Volga. Thế cũng không sao, cũ người mới ta, từ Sài Gòn đi Vũng Tàu chỉ hết có 1 giờ 15 phút so với đường bộ chạy trên Quốc lộ 51 phải mất tới 2 giờ 30 phút thì quả là lý tưởng. Nhưng... chỉ hơi thất vọng một điều, đó là thỉnh thoảng con tàu phải dừng lại để chân vịt quay ngược đẩy những búi rác, lưới cá mắc kẹt trong đó. Nhanh thì cũng phải “mong quý hành khách thông cảm” chờ 15 phút sau mới lại thở phào tiếp tục cuộc hành trình. 

Cùng thời gian gian này là hai chiếc du thuyền chở khách trên sông, đoạn... khứ hồi từ Bến Bạch Đằng - Thanh Đa. Chủ yếu phục vụ tiệc tùng cưới xin, ăn uống. Sản phẩm này thuộc loại tân tiến, phải là khách hạng sang mới lên được... Và lúc đó tôi đã thầm ao ước “chiêu đãi ngược” ông Trương Kỳ Đức một chuyến du ngoạn trên sông để ngầm chia vui về ước mơ của ông ngày trước đã thành hiện thực. Nhưng rồi chính nó lại tạo ra những hình ảnh phản cảm với những chiếc ghe của người nghèo bám theo con tàu lượm những lon bia được quăng xuống dòng sông, với lượng nước thải độc hại chảy như suối xuống dòng sông gây ô nhiễm. Có lẽ vì những điều đó và vì nhiều lý do khác nữa mà sau đó ít lâu, du thuyền cùng tàu cao tốc đã bị khai tử. Và, tôi vẫn chưa kịp “trả lễ” ông Đức, người có ý tưởng khai thác du lịch trên sông Sài Gòn ngay từ ngày đất nước mới hòa bình.

Năm 2017, con sông Sài Gòn mới thực sự chuyển mình. Ước mơ khai thác lợi thế sông nước với một quy hoạch tổng thể dọc theo hai bờ sông để đem lại các giá trị cảnh quan, vui chơi, giải trí, lịch sử cho người dân đã được khởi đầu bằng những chuyến buýt trên sông, sản phẩm của Công ty TNHH Thường Nhật. Rồi kể từ đó, buýt đường thủy của Saigon Waterbus chạy mỗi ngày hơn 50 chuyến, giãn cách mỗi chuyến 30 phút, đạt trung bình 2.500 lượt khách/ngày, đảm bảo chuyển người đi làm việc đúng giờ, kết nối các tour khám phá tham quan thú vị đến với ẩm thực, nếp sống dân cư vùng ven sông Sài Gòn. Các chuyến đều lấp đầy từ 90-100%, giảm áp lực ùn tắc giao thông, kẹt xe, khói bụi, đã đánh dấu thành công ngoạn mục giao thông xanh.

w hue 0224 1 630.jpg
Sông Sài Gòn. Ảnh Nguyễn Huế 

Cùng thời gian cũng phải kể đến Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP với lớp tàu GreenlinesDP. Năm 2020 Công nghệ Xanh đã hạ thủy 5 chiếc tàu cao tốc 2 thân gắn động cơ Rolls Royce, có máy lạnh; sức chở từ 96 đến 150 hành khách chạy tuyến Bạch Đằng (Quận 1) đi Vũng Tàu, Cần Giờ và Bạch Đằng đi Bình Dương - Củ Chi. Cùng với đó Greenlines còn có 2 tàu loại nhỏ, 15 chỗ ngồi cho khách thuê du ngoạn trên sông, đáp ứng về thời gian chạy tàu, giá cả hợp lý, tiện lợi cho việc ngắm cảnh đẹp dọc đường đi. Nước lên, thuyền lên theo một nghĩa riêng; nhờ có GreenlinesDP và Waterbus nối Bạch Đằng với Cần Giờ mà bắt đầu “người đi như nước” khiến các vỏ lãi gắn máy của tư nhân cũng đua theo, làm con thoi lướt sóng chìm đuôi trắng xóa bọt nước, nối giữa Cần Giờ đến ấp đảo hẻo lánh Thiềng Liềng (xã Thạnh An) và biến nơi đây trở thành điểm đến của du lịch cộng đồng. 

Con sông nào chẳng chuyển mình theo dòng chảy ra biển. Nhưng chuyển mình để sinh ra các sản phẩm giá trị gắn liền với đời sống văn hóa con người, đó mới là khát vọng ngoạn mục về một dòng sông. Waterbus của ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đã và đang nắm bắt được điều ấy. Theo ông Nguyễn Kim Toản, để khai mở dòng sông Sài Gòn tiềm năng cần phải có những sản phẩm gắn với đời sống văn hóa một cách căn cơ. Cũng vì vậy, năm 2022 cùng với xây dựng đầy đủ các bến tàu trên các tuyến buýt, ông Toản đã tham gia vào việc chỉnh trang nâng cấp đoạn bờ sông hơn 100 mét trong công viên Bạch Đằng rộng 5.000m2. Công trình bao gồm cả việc nâng cấp tiểu đảo đặt tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo gắn với xây dựng bến “xuất kích” cho những con tàu Waterbus. Công viên hoàn thành đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho người tham quan ngắm cảnh sông nước, đón gió biển từ cửa sông Sài Gòn...

Doanh nhân giỏi là người phải phát triển sản phẩm của mình gắn liền với đời sống văn hóa, đậm chất văn hóa. Ông Nguyễn Kim Toản đã phát triển sản phẩm Saigon Waterbus của mình theo tầm nhìn tiệm cận văn hóa dân tộc qua tinh thần cốt lõi của triết tự Thuận Thành là thuận tự nhiên, thuận lòng dân và thành thực. Tôi rất thích tầm nhìn của ông Kim Toản để cũng từ đó mà chúng ta có quyền hy vọng rằng, bên cạnh việc phủ kín lưu vực hơn 5.000 km2 sông Sài Gòn, Waterbus sẽ vươn đến các dòng sông của miền Trung và miền Tây Nam Bộ, đưa khách du lịch tới các vùng dân cư đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong một tương lai không xa...

Nhà văn An Bình Minh

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

boxtaitro dongsong.jpg