Thông tư 45 của Bộ Tài chính quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” sẽ có hiệu lực từ ngày 5/9/2019 (Ảnh minh họa. Nguồn: siliconvalley.com.vn) |
Thông tư 45 quy định quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Thông tư quy định, hỗ trợ một phần kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài.
Trong đó, ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thành tích xuất sắc, đạt thứ hạng cao tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp quốc gia hoặc quốc tế.
Cụ thể, về hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trả tiền công lao động trực tiếp, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, nhiệm vụ hỗ trợ được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư liên tịch 55 ngày 22/4/2015 của liên Bộ Tài chính, KH&CN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 1 năm/doanh nghiệp và số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa không quá 10 doanh nghiệp/năm.
Đối với việc hỗ trợ kinh phí sử dụng dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm: đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp; marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thanh toán, tài chính; đánh giá, định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ; tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, đầu tư, thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ, Thông tư 45 nêu rõ, mức kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 80 triệu đồng/doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ. Nhiệm vụ hỗ trợ được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của Bộ KH&CN. Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư liên tịch 55 năm 2015 của liên Bộ Tài chính và KH&CN. Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa không quá 10 doanh nghiệp/năm.
Đồng thời, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn được hỗ trợ tối đa không quá 50% kinh phí để tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài, với tối đa không quá 2 người/doanh nghiệp được cử đi tham gia các khóa huấn luyện.
Bộ KH&CN sẽ chủ trì thông báo xét chọn, tuyển chọn các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện, quyết định các nội dung, mức chi và tổng mức kinh phí hỗ trợ cụ thể cho từng doanh nghiệp, đảm bảo đúng quy định. - Nội dung và mức chi tham gia các khóa huấn luyện thực hiện theo quy định tại Thông tư 88 ngày 22/8/2017 của Bộ Tài chính quy định cơ chế tài chính thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ ở nội dung này tối đa cũng không quá 10 doanh nghiệp/năm.
Bên cạnh đó, Thông tư mới của Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể về nội dung và mức hỗ trợ với các hoạt động như: tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoạt động truyền thông về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoạt động kết nối mạng lưới khởi nghiệp; và phục vụ công tác quản lý, hoạt động chung của Đề án 844.