Stress có thể gây ra tác hại lâu dài đối với “tinh binh” của đàn ông và thậm chí còn làm chậm phát triển trí não của con, theo nghiên cứu của các nhà khoa học người Mỹ.

Các nhà khoa học thuộc trường đại học Y tế Pennsylvania (Mỹ) đã phát hiện thấy rằng tình trạng lo lắng và căng thẳng ở nam giới trưởng thành, thiếu niên hay khi còn nhỏ có thể làm thay đổi vĩnh viễn gen trong tinh trùng của họ. Kết luận này được đưa ra dựa trên một nghiên cứu trên chuột.

{keywords}
Gen của tinh trùng đàn ông có thể bị thay đổi do tình trạng stress.

Những nghiên cứu trước đây cũng cho thấy rằng chế độ ăn, lạm dụng thuốc và tình trạng stress thường xuyên của những bà mẹ trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng tới sự phát triển thần kinh của con và làm trẻ tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhất định.

Trong nghiên cứu thực hiện trên chuột, giáo sư Tracy Bale và các cộng sự đã gây stress cho những con chuột đực trong vòng tuần, ở những thời kỳ khác nhau, như trước khi giao phối, thời kỳ sắp trưởng thành và đã trưởng thành.

Những biện pháp gây stress bao gồm bất ngờ chuyển chuột đực sang một lồng nuôi khác, cho chúng tiếp xúc với mùi và âm thanh của kẻ thù hay đặt một vật thể lạ trong lồng của chúng.

Sau khi phân tích và đối chứng với nhóm chuột đực được nuôi trong môi trường bình thường, các nhà khoa học phát hiện thấy rằng tình trạng stress đã làm thay đổi gen trong tinh trùng của chuột đực. Loại gen bị biến đổi có vai trò thiết lập một phần não của thế hệ chuột con.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng con của nhóm chuột đực bị gây stress giảm đáng kể lượng hóc môn stress corticosterone (tương tự như hóc môm cortisol ở người). Sự suy giảm của loại hóc môn này liên quan tới một số rối loạn tâm thần.

“Nghiên cứu của chúng tôi đã lần đầu tiên cho thấy rằng stress có thể gây tác hại lâu dài tới gen tinh trùng có trò thiết lập não của thế hệ sau. Stress ở bất kỳ thời điểm nào từ khi đang dậy thì, trưởng thành, trước khi giao hợp đều có tác hại như nhau”, giáo sư Tracy Bale, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Hà Hương (Theo Daily Mail)