Nhìn lại 2023, thế giới đã kiểm soát cơ bản được dịch bệnh nhưng những diễn biến trái chiều hay các “cơn gió ngược” vẫn bao trùm. Quốc gia nào cũng chịu hậu quả rất nặng nề của dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn, cung ứng bị đứt gãy. Đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng thực sự vẫn còn bấp bênh. Nền kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề của lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng do hệ lụy của nhiều cuộc khủng hoảng, xung đột tại một số nơi.
Cạnh tranh nước lớn vẫn gia tăng ở cả chính trị, an ninh và kinh tế. Thực tế, cạnh tranh chiến lược vẫn là mặt trội của các nước lớn, trong đó có hai đối tác rất quan trọng của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ. Sức ép cạnh tranh này tác động cả về kinh tế, chính trị và hợp tác quốc tế…
Việt Nam bước vào 2023 - cũng là năm giữa nhiệm kỳ của Đại hội 13 - có những mục tiêu rất lớn. Thứ nhất, khắc phục được hệ quả của đại dịch, phục hồi phát triển kinh tế. Đó là yêu cầu cấp bách nhất trước mắt. Thứ hai, triển khai những chiến lược lâu dài của Đại hội 13 trên cả hai mặt phát triển kinh tế và đối ngoại.
Trong đó, phát triển kinh tế là hướng tới mục tiêu năm 2030 và 2045 về phát triển cao hơn, chất lượng hơn, bền vững hơn.
Đối ngoại vẫn nhất quán chủ trương độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa… để tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho bảo đảm an ninh và phát triển. Bên cạnh đó, tranh thủ được nguồn lực cao nhất phát triển kinh tế và tiếp tục nâng vị thế và uy tín của Việt Nam.
Tranh thủ hợp tác
Năm 2023, chúng ta đã rất quyết liệt phục hồi kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, nối lại các chuỗi cung ứng. Bước đầu cho thấy, những chỉ số kinh tế cơ bản đã đạt được nhưng còn nhiều hệ lụy từ giai đoạn dịch bệnh. Cùng với đó, đã tiến hành một loạt hoạt động đối ngoại với tất cả châu lục. Có lẽ, điểm nhấn quan trọng nhất là sự chủ động củng cố và tăng cường sâu sắc hơn nhiều mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác chủ chốt (trong khu vực và các nước lớn).
Với Lào, Campuchia, ASEAN, Việt Nam có nhiều hoạt động hợp tác và đã tạo ra được mối quan hệ tốt trong khu vực. Với các nước lớn, Việt Nam nâng cấp và làm mới quan hệ với Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Hiện Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện với 6 quốc gia. Lần đầu tiên, cả 5 nước là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đều là đối tác ở tầm chiến lược của Việt Nam. Điều này tạo ra không gian rất thuận lợi cho Việt Nam phát triển, bảo đảm an ninh và cả về vị thế cũng như quan hệ đối ngoại.
Trong năm 2023, Việt Nam vận dụng hiệu quả chủ trương đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gay gắt. Những hoạt động này tạo ra dấu ấn đáng kể.
Đó là Việt Nam có thể quan hệ được với tất cả các quốc gia, dù rằng giữa họ cạnh tranh gay gắt. Chúng ta vừa tranh thủ được những mặt hợp tác lại vừa hạn chế sức ép chọn bên. Còn các quốc gia cũng thấy rõ Việt Nam là đối tác độc lập, tự chủ và đáng tin cậy.
Điểm đáng nói trong hoạt động đối ngoại năm 2023 là những cam kết cao cả về mặt chính sách lẫn quyết tâm chính trị để đưa đất nước phát triển ở mức cao, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Việt Nam tranh thủ mạnh mẽ từ cam kết giảm khí phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng xanh rồi chuyển đổi số, tận dụng nguồn tài chính xanh.
Việt Nam nỗ lực mạnh mẽ trong tiếp cận công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó có chip, chất bán dẫn.
Chủ động chiến lược
Việc có quan hệ tầm chiến lược với tất cả đối tác lớn là thuận lợi cơ bản nhưng cũng phải hình dung rằng thời gian tới, cạnh tranh siêu cường còn gay gắt, phức tạp. Việt Nam cần vận dụng triệt để những nguyên tắc đối ngoại của mình để duy trì được vị thế chiến lược có lợi.
Những thỏa thuận chúng ta đạt được mới thể hiện quyết tâm chính trị. Muốn tranh thủ được những nguồn lực từ bên ngoài cần phải đi vào chi tiết, phải tạo ra hành lang và môi trường thuận lợi hơn cả về chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực...
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nâng tầm để có thể kết hợp với những doanh nghiệp đối tác. Việt Nam thời gian qua đã đón tiếp, gặp gỡ rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ lõi của các nước, trong đó có Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc nhưng biến sự quan tâm này thành các dự án cụ thể mới thực sự quan trọng.
Khi chủ động mở rộng quan hệ với tất cả đối tác, cũng phải tiếp tục chủ động để có đóng góp nhiều hơn nữa trong ASEAN và cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đã đến lúc chúng ta phải làm rõ hơn quan điểm của mình để có thể tranh thủ được những mặt tích cực, phù hợp với lợi ích Việt Nam và với quan điểm của ASEAN.
Đây là khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển dựa trên luật pháp quốc tế. Việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác khu vực để các nước dù cạnh tranh nhau nhưng không tạo ra bất ổn là rất quan trọng. Thế đan cài lợi ích sẽ hình thành khuôn khổ hợp tác lâu dài và vững bền hơn.
Bước sang năm 2024, thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn. Trong thách thức vẫn xuất hiện nhiều cơ hội, trong đó nổi bật vẫn là tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển cùng nhau giải quyết những vấn đề khu vực và toàn cầu.
Sự chủ động là yếu tố quyết định. Nếu chúng ta đã bước đầu làm được điều này trong 2023 thì bước sang 2024 phải chủ động hơn nữa để tạo đà cho những năm tiếp theo.
Việt Nam đã đón tiếp rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ lõi của các nước, trong đó có Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc nhưng biến sự quan tâm này thành các dự án cụ thể mới thực sự quan trọng.