Mục tiêu của Đề án đến năm 2020 xây dựng hệ thống thông tin thống kê quốc gia, từng bước kết nối với hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành, địa phương; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia trên nền tảng dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dữ liệu các cuộc tổng điều tra thống kê khác và một số cơ sở dữ liệu Bộ, ngành được kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin của Tổng cục Thống kê.
Sử dụng công nghệ thông minh (webform và thiết bị cầm tay) thay thế phiếu điều tra giấy bằng phiếu điều tra điện tử trong các cuộc điều tra thống kê; cụ thể như sau: 80% trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; 75% trong điều tra nông thôn và nông nghiệp giữa kỳ năm 2020; 75% trong điều tra doanh nghiệp và hộ cá thể; 80% trong các cuộc điều tra khác;...
Đến năm 2025, sử dụng 85% phiếu điều tra điện tử trong Tổng điều tra kinh tế năm 2021 và sử dụng 90% trong các cuộc điều tra khác; tích hợp hoàn chỉnh dữ liệu hành chính có liên quan trong các ngành, lĩnh vực; chuẩn hóa nhu cầu thông tin và thiết kế biểu mẫu đầu ra nhằm thống nhất thông tin trong hệ thống thông tin hành chính nhà nước với thông tin trong hệ thống thông tin thống kê;...
Thủ tướng đã ký Quyết định 501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh minh họa |
Sử dụng công nghệ thông minh vào các công đoạn điều tra
Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án là xây dựng và vận hành kho dữ liệu thống kê vi mô tích hợp tập trung của hệ thống thống kê nhà nước. Cụ thể, chuẩn hóa dữ liệu đầu vào để thực hiện các cuộc điều tra, chế độ báo cáo, sử dụng dữ liệu hành chính ở các năm tiếp theo; rà soát chuẩn hóa nguồn dữ liệu hiện có; tích hợp dữ liệu thống kê vi mô thành kho dữ liệu thống kê vi mô tập trung từ năm 2018, sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và các cuộc điều tra khác; tiến tới tích hợp dữ liệu thống kê các bộ, ngành, trở thành kho dữ liệu thống kê vi mô tích hợp của hệ thống thống kê nhà nước.
Sử dụng công nghệ thông minh vào các công đoạn của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, trong đó, thay thế 80% phiếu điều tra giấy bằng các phiếu điện tử; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê dân số từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng thông tin của các cơ quan quản lý Nhà nước và người dùng tin; ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông và bản đồ số trong phân chia, vẽ sơ đồ, lập bảng kê địa bàn điều tra; xây dựng dữ liệu đặc tả (metadata) và thiết kế phiếu, ứng dụng phần mềm phục vụ thu thập, xử lý và tổng hợp thông tin, phổ biến kết quả, lưu trữ dữ liệu; thiết lập Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ thông minh vào các công đoạn của điều tra doanh nghiệp: Thay thế phiếu điều tra giấy bằng các phiếu điện tử; xây dựng dữ liệu đặc tả, thiết kế phiếu và ứng dụng phần mềm phục vụ thu thập thông tin, xử lý, tổng hợp và phổ biến thông tin doanh nghiệp; xây dựng và tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp vi mô hợp nhất từ kết quả điều tra và các nguồn dữ liệu thuế, hải quan, kho bạc, đăng ký kinh doanh; xây dựng trang thông tin điện tử chuyên đề về Điều tra doanh nghiệp nhằm tạo môi trường trao đổi thông tin hai chiều.
Sử dụng công nghệ dữ liệu lớn để tăng chất lượng, khả năng dự báo
Nhiệm vụ, giải pháp khác là sử dụng công nghệ dữ liệu lớn để hiện đại hóa, giảm chi phí và tăng chất lượng, khả năng dự báo trong một số lĩnh vực thống kê, tập trung ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong lĩnh vực thống kê giá, thị trường bất động sản, đất đai, di cư nội địa, trong đó, nghiên cứu, ban hành phương pháp ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong hoạt động thống kê nhà nước, trước mắt trong biên soạn chỉ số giá tiêu dùng (chỉ số CPI). Các nội dung chủ yếu gồm:
Xây dựng quy trình tính, xác định nguồn dữ liệu; thu thập dữ liệu từ các tổ chức, mạng lưới, doanh nghiệp đã xác định; tính toán chỉ số giá của các hàng hóa và dịch vụ được lựa chọn; phân tích kết quả và so sánh với phương pháp truyền thống. Tiến hành thí điểm ứng dụng dữ liệu lớn trong tính chỉ số CPI cho khu vực thành thị, thống kê thị trường bất động sản trong năm 2019 và triển khai mở rộng từ năm 2020.
Ngoài ra, hiện đại hóa hoạt động phổ biến thông tin thống kê. Cụ thể, đổi mới trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê thành kênh phổ biến thông tin thống kê chủ yếu của ngành Thống kê, đáp ứng yêu cầu phổ biến thông tin thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và các sản phẩm thông tin thống kê chủ yếu; phổ biến, giáo dục kiến thức thống kê và khảo sát sự hài lòng, nhu cầu thông tin của người dùng tin thông qua internet.
Xây dựng, cập nhật các cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội vĩ mô phổ biến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê. Tạo dựng các công cụ, phần mềm hỗ trợ người dùng tin khai thác, sử dụng, trình bày dữ liệu theo nhu cầu; tin học hóa quy trình tổng hợp, phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội hàng tháng, Niên giám thống kê quốc gia và một số sản phẩm thông tin chủ yếu khác thông qua việc ứng dụng hình ảnh hóa dữ liệu thống kê.
Hoàng Đức, Diệu Bình