Trong Thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp Khai giảng năm học 2023 - 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “... tạo những điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu”.

Quan điểm trên đây cho thấy, Chủ tịch nước tiếp tục nhấn mạnh ngành giáo dục cần phải đổi mới căn bản, toàn diện từ nội dung, chương trình đến phương pháp dạy - học nhằm phát huy năng lực sáng tạo, tố chất, sở trường của mỗi học sinh chứ không phải duy trì một nền giáo dục thụ động, áp đặt.

Quan điểm của Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh năng lực, sở trường nào của học sinh cũng đều phải được tôn trọng, đáng quý, đều có cơ hội để phát triển.

Đoạn tuyệt khoác áo “đồng phục” tư duy

Để biến quan điểm trên đây của Chủ tịch nước trở thành hiện thực, trước hết nền giáo dục, trực tiếp là những người làm công tác chỉ đạo, quản lý giáo dục và các thầy cô giáo phải đoạn tuyệt với quan điểm khoác áo “đồng phục” tư duy cho người học tồn tại từ lâu nay.

Phải thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, nền giáo dục nước nhà mặc dù đã qua nhiều lần cải cách nhưng chưa thoát khỏi tình trạng dạy - học lạc hậu. Đó là nhồi nhét kiết thức, áp đặt tư duy; chưa chú trọng khơi dậy, phát huy tính sáng tạo của người học; chưa quan tâm đúng nội dung, chương trình học ngoại khóa để học sinh được trải nghiệm thực tế, tích lũy kỹ năng sống.

Khi được khuyến khích tranh luận, phản biện trong quá trình dạy - học, học sinh sẽ chủ động tìm tòi, khám phá tích lũy, trang bị tri thức khoa học

Tóm lại, phương pháp dạy - học vẫn là tình trạng người dạy chỉ đóng vai trò truyền thụ, nhồi nhét kiến thức một chiều; còn người học luôn trong tâm thế thụ động chỉ biết nghe và chép. Vì vậy, tư duy của học trò chỉ là tư duy tái hiện, theo lối mòn. Còn năng lực tranh luận, phản biện của trò còn rất xa lạ. Thậm chí nếu trò tranh luận, phản biện lại kiến thức thầy đã dạy sẽ bị đánh giá thiếu khiêm tốn; nặng hơn thì bị đánh giá tư tưởng, đạo đức, nhân cách của trò có vấn đề.   

Bởi vậy, cần phải đoạn tuyệt với phương pháp dạy - học lỗi thời tồn tại suốt mấy chục năm qua và quyết liệt áp dụng phương pháp dạy - học tiên tiến. Đó là người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng hơn phải là người đóng vai trò khơi dậy tiềm năng trí tuệ, tiềm năng sáng tạo của người học; trang bị cho người học phương pháp tư duy logic, tư duy hệ thống; bản lĩnh và năng lực tranh luận, phản biện khoa học; tôn trọng nhận thức, tư duy cá biệt (đây là phương pháp dạy - học phổ biến ở tất cả các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến).

Chỉ trên cơ sở phương pháp dạy - học tiên tiến đó mới có thể “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình” của học sinh. Và cũng chỉ có như vậy, học sinh/sinh viên Việt Nam khi rời ghế nhà trường mới “tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu.”

Trang bị năng lực tranh luận, phản biện khoa học

Từ hoạt động thực tiễn, đã phát lộ một chân lý rất quan trọng. Đó là tranh luận, phản biện khoa học vừa là cơ sở vừa là nền tảng cho sự phát triển. Và ở đâu đề cao tranh luận, đề cao phản biện khoa học thì ở đó mới tìm ra sự thật khách quan, mới tìm ra chân lý.

Cho nên muốn học sinh “phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu” như trong Thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp Khai giảng năm học mới, nền giáo dục nước nhà cần phải chú trọng trang bị cho học sinh phương pháp, năng lực phản biện. Chỉ có như vậy mới có những học sinh “trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình”.

Khi được khuyến khích tranh luận, phản biện trong quá trình dạy - học, học sinh sẽ chủ động tìm tòi, khám phá tích lũy, trang bị tri thức khoa học; trên cơ sở vận dụng sáng tạo tri thức và phương pháp tư duy logic giúp họ xem xét, đánh giá các sự việc, các tình huống một cách biện chứng. Thông qua tự phản biện của bản thân và phản biện với những người khác đưa ra những nhận định, kết luận theo quan điểm cá nhân.

Để trang bị năng lực, phương pháp phản biện khoa học cho học sinh, trước hết phương pháp giáo dục, dạy học cần theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Hướng tới hoạt động hóa, tích cực hóa trong hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung phát huy tính tích cực của người học chứ không phải là tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy.

Để dạy học theo phương pháp tích cực, người thầy cũng cần phải nỗ lực vươn lên để có kiến thức, tầm tư duy và năng lực phản biện đáp ứng được với phương pháp dạy học này. Kiến thức, tư duy của thầy không thể lệ thuộc vào sách vở giáo điều mà phải là tri thức độc lập, mới mẻ. Thực hiện được yêu cầu này, vai trò của người thầy không chỉ phát huy trong việc giúp học sinh làm chủ quá trình học tập tích cực, chủ động mà còn là một hình ảnh mô phạm về năng lực tranh luận, phản biện.

Khi được trang bị tư duy logic và năng lực phản biện, học sinh sẽ trở nên chủ động trong việc đặt ra câu hỏi, tự tìm các thông tin liên quan để giải đáp vấn đề bản thân vướng mắc, chứ không ngồi chờ lời giải đáp, đáp án ở người khác.

Từ đó, học sinh sẽ vượt qua tâm lý rụt rè, e ngại, tự ti và sẽ mạnh dạn, tự tin trình bày, bảo vệ quan điểm của mình. Đây vừa là những tố chất vừa là năng lực rất quan trọng của học sinh, sinh viên bước vào đường đời lập thân, lập nghiệp. Nếu thiếu điều này, công dân khó có thể giúp ích cho cộng đồng, cho đất nước.

Hãy bắt đầu từ các nhà quản lý giáo dục

Cải cách, đổi mới giáo dục theo hướng lấy học sinh làm trung tâm; phát huy vai trò tích cực chủ động, sáng tạo của người học... đã được nêu trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước trong mấy chục năm qua; và được nhiều đời Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh trong các thông tư, chỉ thị và trong các lần đăng đàn trước Quốc hội.

Tuy nhiên, trong các thông tư, chỉ thị của ngành giáo dục các cấp chủ yếu đặt sứ mệnh cải cách, đổi mới giáo dục lên những đôi vai nhỏ bé của thầy và trò. Chính vì vậy, công cuộc cải cách, đổi mới nền giáo dục nước nhà vẫn trong tình trạng ì ạch. Và luôn là vấn đề nóng trong các kỳ họp Quốc hội.

Vì vậy, phải phân định sứ mệnh và trách nhiệm cải cách, đổi mới giáo dục không chỉ là của thầy và trò mà trước hết và trên hết là thuộc về các cơ quan và những người đứng đầu các cơ quan chỉ đạo, quản lý giáo dục.

Bởi, muốn quan điểm, mục tiêu trở thành hiện thực, trước hết các cơ quan và những người đứng đầu các cơ quan này phải cụ thể hoa quan điểm của Đảng về đối mới, cải cách giáo dục bằng những giải pháp đồng bộ, khả thi chứ không phải là những chỉ thị chung chung.

Vì vậy, muốn công cuộc cải cách, đổi mới nền giáo dục nước nhà thành công thì trước hết và trên hết phải có chuyển động từ các cơ quan và những người đứng đầu các cơ quan chỉ đạo, quản lý giáo dục.   

Nguyễn Huy Viện