Ông Thành cho rằng trường hợp có cá nhân nào thu gom cổ phiếu và giữ vị trí trong HĐQT của Sacombank thì cũng chỉ giữ một lá phiếu. Không những vậy, hoạt động của HĐQT còn chịu sự giám sát của cổ đông sáng lập.

TIN BÀI KHÁC


“Gom” cổ phần người nhà về Thành Thành Công

Tuần qua, giới đầu tư xôn xao câu chuyện người nhà ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch HĐQT của STB đăng ký bán hết 14.84 triệu cổ phiếu đang sở hữu, tương ứng 1.62% vốn điều lệ. Câu hỏi được đặt ra là nội tình đằng sau động thái trên là gì, khi mà họ vốn là những người nắm khá rõ hoạt động củangân hàng này.

Có người cho rằng những cổ đông này bán cổ phiếu để đè giá, nhằm mua lại với mức giá rẻ hơn. Thậm chí có nhà đầu tư nghĩ rằng vợ, con gái và con dâu của ông Thành bán để lấy tiền mua cổ phiếu sắp phát hành thêm cho đợt tăng vốn lên 10,740 tỷ đồng sắp tới.

Lý giải cho hành động này, ông Thành cho biết việc ba người phụ nữ nhà họ Đặng bán ra cổ phiếu thực chất là để chuyển cổ phần STB từ sở hữu cá nhân về sở hữu của pháp nhân là CTCP Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công. Hiện Chủ tịch HĐQT của Thành Thành Công, bà Huỳnh Bích Ngọc, là vợ của ông Thành.

Điều này phù hợp với thông tin công bố vào cuối tháng 5 về việc Thành Thành Công đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu STB từ ngày 01/06 đến ngày 01/08 để tăng tỷ lệ sở hữu từ 0.46% lên 2.1%, tương ứng 19,248,879 cổ phiếu.


Dư luận cho rằng có người đang âm thầm thâu tóm Sacombank

HĐQT Sacombank bị ràng buộc cả quy định “đối vốn” và “đối nhân”

Giới tài chính còn kháo nhau câu chuyện có một “đại gia” bất động sản và ngân hàng đang dòm ngó chiếc ghế Chủ tịch HĐQT STB nên đã âm thầm gom cổ phiếu trong thời gian gần đây. Thậm chí còn có đồn đại rằng “đại gia” này tuyên bố sẵn sàng vét hết tất cả số cổ phần được bán ra.

Thống kê từ phiên 27/06 đến 08/07 đã có tổng cộng trên 26.34 triệu cổ phiếu STBđược giao dịch thỏa thuận (với hơn 4 triệu cổ phiếu mỗi phiên nhưng đều ở giá sàn). Theo dõi giao dịch cuối phiên ngày 08/07 có thể thấy vẫn còn đến 4 triệu cổ phiếu STB được chào mua thỏa thuận nhưng lại không có người bán.

Nhiều người suy luận rằng chính “kế hoạch” thâu tóm âm thầm này buộc những người thân của ông Thành phải bán cổ phiếu, nhưng thực chất là tập trung cổ phần về ông Đặng Văn Thành để phòng thủ và nhằm giữ ghế Chủ tịch.

Tuy nhiên, ông Đặng Văn Thành không khẳng định việc có người đang âm thầm thâu tóm STB. Ông cho rằng nếu có nhà đầu tư mua vào và nắm giữ khối lượng lớn cổ phần thì chứng tỏ họ tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của STB, chứ không nhằm mục đích thôn tính và “thay máu” như những lời đồn đại.

Ông Thành cũng cho biết, vừa qua Đại hội đồng cổ đông đã bầu HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới đến 2015; nên sẽ không có khả năng thay đổi cơ cấu lãnh đạo trong nhiệm kỳ này. Bên cạnh đó, ngoài việc “đối vốn”, HĐQT còn bị ràng buộc bởi quy định “đối nhân”, tức mỗi thành viên chỉ nắm giữ một lá phiếu trong các quyết định của HĐQT. “Vì vậy, trường hợp có cá nhân nào thu gom cổ phiếu và giữ vị trí trong HĐQT thì cũng chỉ giữ một lá phiếu mà thôi. Không những vậy, hoạt động của HĐQT còn chịu sự giám sát của cổ đông sáng lập”, ông Thành nhấn mạnh.

Về việc thoái vốn của ANZ, ông Thành cho biết lý do là vì ngân hàng này đã xin được giấy phép đầu tư 100% vốn tại Việt Nam. Tuy nhiên, ANZ sẽ thực hiện lộ trình thoái vốn thích hợp; còn hiện tại, ông Thành là người được ANZ ủy quyền đối với 9.9% vốn góp của ngân hàng này tại STB.

Ông Đặng Văn Thành còn cho biết, 6 tháng đầu năm STB đạt 1,515 tỷ đồng lợi nhuận, thực hiện được 56% kế hoạch năm; trong đó lợi nhuận tháng 6 đạt 301 tỷ đồng.

Khi những lời giải thích này chưa được công bố, một vài chuyên gia cũng nhận định rằng, việc cổ đông nội bộ bán ra một số lượng cổ phiếu lớn như vậy về bản chất sẽ không ảnh hưởng đến dòng tiền trên thị trường, vì ngay lập tức sẽ có cổ đông lớn khác nhảy vào thế chổ.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế bất ổn, không riêng gì các doanh nghiệp mà các ngân hàng thương mại cũng lâm vào thế khó thì việc thâu tóm hay thu mua cổ phần không hẳn là thông tin xấu. Điều này giúp cho ngân hàng và doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Ông cũng cho biết, hiện nay người nắm tiền là người nắm nhiều cơ hội hơn cả. Ví như con cóc ngồi trong bóng tối, có thể thè cái lưỡi dài để săn ruồi muỗi. Việc thâu tóm doanh nghiệp cũng vậy; có người gửi cả ngàn tỷ đồng vào ngân hàng không phải vì họ muốn hưởng lãi suất cao mà thực chất là để tìm cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp có triển vọng tốt


(Theo Vietstock)