Sau khi đạt lợi nhuận kỷ lục vào năm 2012, Halico - công ty sở hữu thương hiệu Vodka Hà Nội đã bất ngờ lao dốc và gần như “mất tích” khỏi thị trường trong 2 năm gần đây.

Đầu năm 2011, Tập đoàn Diageo - công ty rượu lớn nhất thế giới đồng thời là chủ sở hữu nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng thế giới như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff - bất ngờ chi ra gần 800 tỷ đồng để sở hữu 18,67% cổ phần của CTCP Cồn rượu Hà Nội - Halico từ Vinacapital với mức giá 213.600đ/cp.

Với mức giá tương tự, Diageo liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình tại Halico thông qua việc nhận chuyển nhượng từ Vinacapital, cổ đông nội bộ hay qua đợt chào bán của Halico. Đến giữa năm 2012, Diageo đã sở hữu 45,5% cổ phần tại Halico và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại công ty, sau Habeco (sở hữu 54,3% cổ phần).

{keywords}

Diageo - công ty rượu lớn nhất thế giới

{keywords}

Để sở hữu 45,5% cổ phần Halico, số tiền Diageo bỏ ra cũng không hề nhỏ, khoảng 1.945 tỷ đồng, tương đương 90 triệu USD. Vốn hóa Halico xác định theo mức giá Diageo đặt mua vào khoảng 4.300 tỷ đồng.

Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng số tiền Diageo bỏ ra để sở hữu cổ phần của Halico dù khá lớn nhưng có phần hợp lý bởi Halico là doanh nghiệp có truyền thống hơn 100 năm hoạt động, chiếm thị phần lớn trong ngành rượu Việt Nam với sản phẩm chủ lực Vodka Hà Nội đang “làm mưa làm gió” tại các quán nhậu, nhà hàng bình dân Việt Nam.

Cùng với đó, KQKD Halico qua các năm liên tục tăng trưởng mạnh. Năm 2010, EPS của Halico đạt 6.461 đồng, tương ứng mức P/E của doanh nghiệp gần 33 lần cho thấy Diageo đang có kỳ vọng khá lớn vào thương vụ này.

Ngoài khoản đầu tư vào Halico, Diageo cũng cho thấy tham vọng thâm nhập vào thị trường đồ uống có cồn Việt Nam bằng việc góp 55% vốn vào Công ty TNHH Sản xuất Rượu và Cồn Việt Nam; phần còn lại thuộc về TCT Bia- Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Bên cạnh đó, Diageo cũng đã thành lập chi nhánh của mình tại Việt Nam.

Halico lao dốc sau cái “bắt tay” với Diageo

Việc chiếm lĩnh phần lớn thị phần trong phân khúc rượu bình dân tại Việt Nam đã giúp doanh thu Halico liên tục tăng trưởng trưởng trong giai đoạn 2008- 2011 và năm 2011 công ty đã ghi nhận doanh thu kỷ lục với 1.067 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm Diageo đầu tư vào Halico.

{keywords}
Đầu tư vào Halico

Sự góp mặt của “ông trùm” ngành rượu thế giới được kỳ vọng sẽ mang đến những yếu tố tích cực hơn cho Halico trong việc nâng cao năng lực quản trị, tung ra nhiều sản phẩm mới, mở rộng hệ thống phân phối ra thị trường quốc tế,... và đây có thể là bước tiến lớn với Halico.

Trong năm 2012, nhà máy Halico tại Bắc Ninh đã đi vào hoạt động và được đánh giá là một trong những nhà máy hiện đại bậc nhất Châu Á với công suất 40 triệu lít rượu, 1 triệu lít cồn/năm.

Tuy vậy, sau tất cả những kỳ vọng trên, thực tế diễn ra lại là một gam màu u ám cho Halico. Sản phẩm rượu Vodka Hà Nội từng một thời “tung hoành” trên thị trường đã bất ngờ biến mất trong khoảng 2 năm trở lại đây và những sản phẩm Vodka tương tự đã thay thế sản phẩm của Halico tại hầu hết các quán nhậu, nhà hàng.

Lợi nhuận Halico vẫn trên đà "lao dốc" kể từ năm 2010 và không có sự tiến triển, ngoại trừ năm 2012 tăng vọt lên 276 tỷ đồng phần lớn đến từ khoản tiền đền bù di dời nhà máy từ 94 Lò Đúc, Hà Nội sang Bắc Ninh.

Với việc mất thị phần một cách khá bất ngờ, năm 2014, doanh thu Halico chỉ đạt 397 tỷ đồng, Lợi nhuận trước thuế còn 30 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh âm 8 tỷ đồng.

{keywords}

Lợi nhuận năm 2012 của Halico tăng đột biến nhờ khoản tiền đền bù di dời nhà xưởng. Số liệu 2014 chỉ bao gồm riêng công ty mẹ.

Diageo “hớ nặng” với Halico?

Trong năm 2011, hoạt động M&A ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam diễn ra khá sôi động với nhiều thương vụ lớn. Tiêu biểu có thể kể tới Tập đoàn hàng gia dụng Marico (Ấn Độ) mua 85% CTCP Hàng gia dụng quốc tế (ICP) với mức giá 60 triệu USD hay Tập đoàn hàng tiêu dùng Unicharm (Nhật Bản) mua 95% cổ phần Diana với mức giá 184 triệu USD.

Mặc dù mức giá để sở hữu là không hề nhỏ nhưng nhìn chung, các thương vụ này đều mang đến những lợi ích đáng kể cho các đối tác ngoại khi KQKD doanh nghiệp đều tăng trưởng vượt bậc.

Năm 2014, Diana ghi nhận 800 tỷ đồng LNST, gấp 8 lần thời điểm Unicharm đầu tư năm 2011 hay ICP đạt lợi nhuận 157 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2011.

So với các thương vụ M&A lớn diễn ra cùng năm, dường như Diageo đã nhận “trái đắng” Halico khi khoản đầu tư đang cho thấy sự thất bại. Từ một thương hiệu chiếm thị phần lớn trong ngành đã gần như “mất tích” trên thị trường. Mức định giá 4.300 tỷ đồng cho doanh nghiệp âm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh dường như là quá cao.

Tưởng chừng Halico sẽ “bay cao” nhưng kết cục Halico đã đánh mất mình một cách hết sức khó hiểu sau cái “bắt tay” với Diageo. Đây có lẽ vẫn là câu chuyện chưa có lời giải đáp và chỉ những người trong cuộc như Diageo hay Habeco mới thực sự hiểu rõ vấn đề.

(Theo Infonet)