LTS: Năm 1947, giữa lúc phải tập trung chuẩn bị Chiến dịch Thu Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.

Cuốn sách có 6 phần: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa. Cuốn sách đã chỉ dẫn, động viên sức mạnh của Đảng, của dân tộc, của quân, dân ta góp phần đưa cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện giành thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuốn “Sửa đổi lối làm việc” càng trở nên cần thiết.

Có thể nói, đây là cuốn sách giáo khoa có nội dung sâu sắc, toàn diện về giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng, của Nhà nước ta. Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu lại  phần 2 tác phẩm này của Người. 

IV. TƯ CÁCH VÀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

A. TƯ CÁCH CỦA ĐẢNG CHÂN CHÍNH CÁCH MẠNG

1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.

2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.

3. Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương.

4. Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không.

5. Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

6. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng. Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng.

7. Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát.Nếu không vậy thì không biết nắm vững các cách thức tranh đấu và các cách thức tổ chức, không biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng.

8. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên.

9. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.

10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hoá ra ngoài.

11. Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.

12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng.

Muốn cho Đảng được vững bền Mười hai điều đó chớ quên điều nào.

B. PHẬN SỰ CỦA ĐẢNG VIÊN VÀ CÁN BỘ

1. Trọng lợi ích của Đảng hơn hết

Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác. Cho nên Đảng phải ra sức tổ chức nhân dân, lãnh đạo nhân dân để giải phóng nhân dân và để nâng cao sinh hoạt, văn hoá, chính trị của nhân dân. Vì toàn dân được giải phóng, tức là Đảng được giải phóng.

Vì vậy, mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Nghĩa là phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, lên trước hết.

Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”. Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng.

Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng. Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ phải hiểu rõ, phải thực hành như thế. Vì hiểu rõ và thực hành như thế, cho nên trong Đảng ta đã có những liệt sĩ oanh liệt hy sinh cho Đảng, cho dân tộc, cho Tổ quốc, mà tiếng thơm để muôn đời. Các liệt sĩ đó đã nêu gương anh dũng cho tất cả đảng viên và cán bộ ta bắt chước.

Nhiều khi lợi ích của cá nhân hợp với lợi ích của Đảng. Thí dụ đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khoẻ của mình để làm việc. Ham học tập để nâng cao trình độ của mình. Làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Những lợi ích cá nhân đó rất chính đáng. Đảng mong cho đảng viên và cán bộ như thế. Song ngoài ra, như ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao tự đại, v.v.. Đó đều là trái với lợi ích của Đảng.

2. Đạo đức cách mạng

Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau, ngày càng thêm.

Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

a) NHÂN là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được.

b) NGHĨA là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ, đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

c) TRÍ vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người. Biết xét việc. Vì vậy, mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, biết vì Đảng mà cất nhắc người tốt, đề phòng người gian.

d) DŨNG là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.

đ) LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá.

Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?

3. Phải giữ kỷ luật

Lợi ích của dân tộc, gồm có lợi ích của Đảng. Lợi ích của Đảng, gồm có lợi ích của đảng viên. Vì vậy, sự phát triển và thành công của Đảng, một mặt tức là thành công của dân tộc, một mặt tức là thành công của đảng viên. Vì vậy, chỉ có khi Đảng thành công và thắng lợi, thì đảng viên mới có thể thành công và thắng lợi. Chính vì vậy mà đảng viên cần phải hy sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của Đảng.

Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong. Đó là do sự “tự giác”, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ xung phong. Đã vậy, thì mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng là một người trong những người đại biểu của dân tộc.

Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc. Càng phải làm gương cho tất cả đảng viên, tất cả quần chúng noi theo.

Cũng vì lợi ích của dân tộc, mà Đảng cần phải khuyến khích và khen thưởng những ưu điểm và tài năng của đảng viên. Cần phải giúp cho họ học hành, giúp cho họ làm việc và tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ về mặt sinh hoạt, trong lúc ốm đau. Khiến cho họ ham làm việc, vui làm việc. Nói tóm lại: Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải hoàn toàn phục tùng lợi ích của Đảng. Không nên có mục đích cá nhân. Không nên vì cá nhân mà yêu cầu Đảng cái này cái khác, hoặc trách móc Đảng không giúp đỡ mình, không khen thưởng mình.

Đồng thời, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, trí thức và chính trị của mình. Luôn luôn giữ gìn kỷ luật. Luôn luôn xứng đáng một người cán bộ, một người đảng viên.

4. Đối với các hạng đảng viên

Đảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân, vì nước. Song Đảng có rất đông đảng viên. Phần đông cố nhiên đã hiểu biết vì dân, vì nước mà vào Đảng. Nhưng cũng có phần vì lẽ khác mà theo vào Đảng. Thí dụ: Có người tưởng vào Đảng thì dễ tìm công ăn việc làm. Có người vào Đảng mong làm chức này, tước nọ. Có người vì anh em bạn hữu kéo vào, v.v.. Những người này không biết rằng: cách mạng là một sự nghiệp gian nan cực khổ, phải có lòng kiên quyết, có chí hy sinh.

Vì vậy khi gặp sự khó khăn, họ không khỏi dao động, hoang mang.

Dù sao, họ tin Đảng ta, họ kính trọng Đảng ta, họ tìm vào Đảng ta, đó cũng là một điều tốt. Trừ những bọn vào Đảng để mong phá hoại, còn những hạng kia chúng ta đều hoan nghênh. Một khi họ đã theo Đảng thì Đảng phải cảm hoá họ, dạy dỗ họ, nâng cao sự hiểu biết và lòng phụ trách của họ lên dần dần. Trong sự huấn luyện và tranh đấu lâu dài, họ rất có thể thành những người chiến sĩ khá.

Đối với những người không chịu nổi khó nhọc, không chịu nổi kỷ luật nghiêm khắc mà xin ra khỏi Đảng, thì Đảng vẫn bằng lòng để họ ra. Đảng chỉ yêu cầu một điều là: Họ thề không lộ bí mật của Đảng, không phản Đảng, không phá hoại Đảng. Như thế thì Đảng vẫn giữ cảm tình thân thiện với họ.

Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân.

5. Những khuyết điểm sai lầm

Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân.

Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm, thí dụ những bệnh sau đây:

a) Bệnh tham lam - Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình.

b) Bệnh lười biếng - Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh.

c) Bệnh kiêu ngạo - Tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác.

d) Bệnh hiếu danh - Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, uỷ viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực.

đ) Thiếu kỷ luật - Đã mắc bệnh cá nhân thì tư tưởng và hành động cũng đặt cá nhân lên trên. Vì thế mà việc gì cũng không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn thế nào thì làm thế ấy. Quên cả kỷ luật của Đảng. Phê bình thì cốt công kích những đồng chí mình không ưa. Cất nhắc thì cốt làm ơn với những người mình quen thuộc.

e) Óc hẹp hòi - Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình. ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình. Vì thế mà không biết liên lạc hợp tác với những người có đạo đức tài năng ở ngoài Đảng. Vì thế mà người ta uất ức và mình thành ra cô độc.

g) Óc địa phương - Bệnh này tuy không xấu bằng các bệnh kia nhưng kết quả cũng rất tai hại. Miễn là cơ quan mình, bộ phận mình, địa phương mình được việc. Còn các cơ quan, bộ phận, địa phương khác ra sao cũng mặc kệ. Đó là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng ích lợi to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể.

h) Óc lãnh tụ - Đánh được vài trận, hoặc làm được vài việc gì ở địa phương đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ rồi.

Nào có biết so với công cuộc giải phóng cả dân tộc thì những thành công đó chỉ là một chút cỏn con, đã thấm vào đâu! Mà so với những sự nghiệp to tát trong thế giới, càng không thấm vào đâu.

Cố nhiên, Đảng ta mong cho có nhiều anh hùng, nhiều lãnh tụ, được dân tin, dân phục, dân yêu. Những anh hùng và lãnh tụ như thế là của quý của Đảng, của dân tộc. Song, những anh hùng và lãnh tụ như thế đều do tranh đấu và kinh nghiệm rèn luyện ra, đều do dân chúng và đảng viên tin cậy mà cử ra, chứ không phải tự mình muốn làm lãnh tụ, làm anh hùng mà được.

Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, lãnh tụ.

Đem so với công việc của cả loài người trong thế giới, thì những người đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bộ phận mà thôi. Mỗi người chúng ta cố làm đầy đủ những công việc Đảng giao phó cho, thế là ta làm tròn nhiệm vụ, và lòng tự hào đó giúp cho ta tiến bộ mãi.

6. Những bệnh khác

a) Bệnh “hữu danh, vô thực” - Làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch.

Thí dụ việc tổ chức - Trong báo cáo thì làng nào, huyện nào, tỉnh nào cũng có. Hạng người nào cũng có. Có hàng vạn hàng ức người. Nhưng khi soạn lại cặn kẽ, hỏi lại rõ ràng, nhưng nơi đó có bao nhiêu người, những tổ chức đó đã làm việc gì, cán bộ đã đến đó mấy lần, đã làm gì cho những tổ chức đó, thì chưa có gì thiết thực hết.

Thế là không làm tròn nhiệm vụ của mình. Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm.

b) Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa.

Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống.

Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ.

c) Bệnh cận thị - Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ. Thí dụ: việc tăng gia sản xuất, việc tiếp tế bộ đội thì không lo đến, mà chỉ lo thế nào để lợi dụng cơm cháy và nước gạo trong các bộ đội.

Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn.

d) Bệnh “cá nhân”

1. Việc gì không phê bình trước mặt để nói sau lưng. Khi khai hội thì không nói, lúc khai hội rồi mới nói. Không bao giờ đề nghị gì với Đảng. Không theo nguyên tắc sinh hoạt của Đảng. Muốn sao làm vậy.

2. Muốn làm xong việc, ai có ưu điểm cũng không chịu học theo, ai có khuyết điểm cũng không dám phê bình.

3. Không phục tùng mệnh lệnh, không tuân theo kỷ luật. Cứ làm theo ý mình.

4. Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí.

5. Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ.

6. Gặp dân chúng thì không điều tra, không hỏi han, không tuyên truyền, không giải thích. Xem như dân chúng không có quan hệ gì với mình.

7. Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích.

8. Làm việc không có kế hoạch, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, làm không có ngăn nắp, làm không đến nơi đến chốn.

9. Tự cho mình là “cách mạng già”, “cách mạng cũ”; việc to làm không nổi, việc nhỏ không chịu làm. Làm việc thì lờ mờ, học hành thì biếng nhác.

10. Biết mình có khuyết điểm, nhưng không chịu cố gắng sửa đổi.

Những tật bệnh đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời dân chúng.

Mắc phải bệnh đó thì dễ đi đến chỗ để lợi ích cá nhân lên trên, để lợi ích Đảng và dân tộc xuống dưới.

Một người cách mạng bao giờ cũng phải trung thành, hăng hái, xem lợi ích của Đảng và dân tộc quý hơn tính mệnh của mình. Bao giờ cũng quang minh chính trực, ham cách sinh hoạt tập thể, luôn luôn săn sóc dân chúng, giữ gìn kỷ luật, kiên quyết chống lại “bệnh cá nhân”.

đ) Bệnh lười biếng - Khi tiếp được mệnh lệnh hoặc nghị quyết, không chịu nghiên cứu rõ ràng. Không lập tức đưa ngay mệnh lệnh và nghị quyết đó cho cấp dưới, cho đảng viên, cho binh sĩ. Cứ xếp lại đó. Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng.

Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn. Kết quả nhỏ là: Nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần. Kết quả nặng là: phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi. Đó là vì tính lười biếng, chậm chạp. Vì không hiểu rằng: Đảng cũng như thân thể một con người. Mệnh lệnh và nghị quyết cũng như mạch máu. Mạch máu chạy đều khắp thân thể thì người mạnh khoẻ. Mạch máu dừng lại đâu, không chạy thì chỗ đó sẽ tê liệt, sinh bệnh. Mệnh lệnh và nghị quyết đi mau, đi suốt từ trên đến dưới, công tác mau chóng, việc gì cũng xong xuôi. Nó ngừng lại cấp nào, từ cấp đó trở xuống là tê liệt, không biết đường nào mà công tác.

Cách chữa:

- Các cơ quan chỉ đạo phải có cách lãnh đạo cho đúng. Mỗi việc gì đều phải chỉ bảo cách làm.

- Cấp trên phải hiểu rõ tình hình cấp dưới và tình hình quần chúng, để chỉ đạo cho đúng.

- Khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận, rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành.

Mỗi nghị quyết phải mau chóng truyền đến các cấp dưới, đến đảng viên, đến dân chúng. Cách tiện nhất là khai hội với các đảng viên, khai hội với dân chúng (hoặc binh sĩ), phái người đến báo cáo, giải thích.

- Các cấp dưới, đảng viên và dân chúng (hoặc binh sĩ) phải thảo luận những mệnh lệnh và nghị quyết đó cho rõ ràng, hiểu thấu ý nghĩa của nó và định cách thi hành cho đúng.

- Cấp dưới cần phải báo cáo. Cấp trên cần phải kiểm soát.

e) Bệnh tị nạnh - Cái gì cũng muốn “bình đẳng”.

Thí dụ: Cấp trên vì công việc phải cưỡi ngựa, đi xe. Cấp dưới cũng muốn cưỡi ngựa, đi xe.

Người phụ trách nhiều việc, cần có nhà rộng. Người không phụ trách nhiều việc, cũng đòi nhà rộng.

Phụ cấp cho thương binh cũng muốn nhất luật, không kể thương nặng hay nhẹ.

Làm việc gì, thì muốn già, trẻ, mạnh, yếu đều làm bằng nhau.

Có việc, một người làm cũng được, nhưng cũng chờ có đủ mọi người mới chịu làm.

Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng. Không hiểu rằng: người khoẻ gánh nặng, người yếu gánh nhẹ. Người làm việc nặng phải ăn nhiều, người làm việc dễ thì ăn ít. Thế là bình đẳng.

Cách chữa - Giải thích cho họ hiểu: đồng cam cộng khổ là một điều rất hay, rất tốt. Nhất là trong lúc cái gì cũng còn túng thiếu, và mỗi đảng viên, mỗi cán bộ cần phải làm kiểu mẫu trong sự cần lao, tiết kiệm. Nhưng cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh. Cái gì thái quá cũng không tốt. Bình đẳng thái quá cũng không tốt. Thí dụ: Nếu một chiến sĩ bị thương được đi xe, ăn ngon, các chiến sĩ khác đều đòi đi xe, đòi ăn ngon . Hoặc vì bình đẳng mà bắt buộc một trẻ em cũng ăn nhiều, cũng gánh nặng, như một người lớn. Nếu như thế là bình đẳng, thì bình đẳng đó rất vô lý, rất xấu, chúng ta phải kiên quyết chống lại thứ bình đẳng đó.

Sợ mất oai tín và thể diện mình, không dám tự phê bình.

Lại nói: Nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta.

Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa”.

Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!

Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là “quan liêu hoá”, tức là tự mãn tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi”.

Phê bình không phải để công kích, để nói xấu, để chửi rủa.

g) Bệnh xu nịnh, a dua - Lại có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái.

Còn bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, bệnh nóng tính, bệnh lụp chụp, v.v., đã nói qua, đây không nhắc nữa.

7. Những khuyết điểm sai lầm vì sao mà có và tự đâu mà đến?

Khuyết điểm đâu mà nhiều thế?

Đảng ta là một đảng rất to lớn, bao gồm đủ các tầng lớp trong xã hội. Vì vậy có nhiều tính cách rất trung thành, rất kiên quyết, rất vĩ đại. Song cũng không tránh khỏi những tập tục, những tính nết, những khuyết điểm của xã hội bên ngoài, nó lây, ngấm vào trong Đảng.

Nhưng không vì thế mà kinh sợ. Ta đã thấy rõ những bệnh ấy thì ta tìm được cách chữa.

Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào, thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau. Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình.

Đá đi lâu cũng mòn. Sắt mài lâu cũng sắc. Ta cố gắng sửa chữa thì khuyết điểm ngày càng bớt, ưu điểm ngày càng thêm. Đảng viên và cán bộ ngày càng trở nên người chân chính cách mạng. Đảng ngày càng phát triển.

Mong ai nấy đều phải thiết thực sửa đổi. Đảng ta là một tổ chức rất tiến bộ, đã có những thành tích rất vẻ vang.

Trong Đảng ta, gồm có những người có tài, có đức. Phần đông những người hăng hái nhất, thông minh nhất, yêu nước nhất, kiên quyết, dũng cảm nhất đều ở trong Đảng ta. Chúng ta chắc chắn đi đến thắng lợi và thành công.

Tuy vậy, không phải là người người đều tốt, việc việc đều hay. Trong Đảng ta chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vu vơ, những việc không chính đáng, như vừa kể trên.

Cũng như một nhà có rể khờ, dâu dại, không thể cấm họ gặp gỡ bà con. Đảng ta dù muốn giấu những người và những việc không tốt kia, cũng không thể giấu. Quần chúng luôn luôn liên lạc với Đảng ta. Những người hăng hái đồng tình với Đảng ta, hoặc tham gia Đảng ta. Họ chẳng những trông thấy những người tốt, việc tốt, mà họ cũng trông thấy những người xấu, việc xấu trong Đảng. Họ sẽ ngơ ngác mà hỏi ” Đảng này là Đảng tốt, đảng viên đều là người tốt, vì sao lại có những người vu vơ, những việc mờ tối như thế nhỉ?”.

Câu hỏi đó làm cho chúng ta càng thêm chú ý, làm cho đảng viên và cán bộ phải cẩn thận giữ mình, và cẩn thận săn sóc, dắt dìu những người cảm tình, những đảng viên mới, chớ để họ bị ảnh hưởng xấu. Đồng thời, chúng ta phải trả lời cho câu hỏi đó cho đúng. Nếu không thì người ta sẽ thất vọng và bi quan.

Trả lời thế nào?

Rất là giản đơn, dễ hiểu:

Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, v.v.. Những thói xấu đó có đã lâu, nhất là trong 80 năm nô lệ. Những thói xấu đó, họ mang từ xã hội vào Đảng.

Cũng như những người hàng ngày lội bùn, mà trên mình họ có hơi bùn, có vết bùn. Như thế thì có gì là kỳ quái? Vì lội bùn thì nhất định có hơi bùn. Cần phải tắm rửa lâu mới sạch. Trái lại, nếu lội bùn mà không có hơi bùn, mới thật là kỳ quái. Nếu trong Đảng ta, một đảng mới từ trong xã hội cũ bước ra, nếu nó hoàn toàn không có những người xấu, việc xấu như thế mới là kỳ quái chứ! Cố nhiên nói thế không phải là để tự bào chữa.

Đảng một mặt phải làm công việc giải phóng dân tộc, một mặt phải giáo dục đảng viên và cán bộ, kiên quyết cảm hoá những phần tử xấu, sửa chữa những thói xấu còn lại. Phải cố sửa chữa cho tiệt nọc các chứng bệnh, khiến cho Đảng càng mạnh khoẻ, bình an.

8. Cách đối với các khuyết điểm

Vì Đảng rất to, người rất đông; mỗi hạng người lại có thói quen, tính nết, trình độ, tư tưởng, nhận xét khác nhau. Nhất là khi phong trào cách mạng càng sôi nổi, hoàn cảnh càng khó khăn, thì sự khác nhau đó càng rõ rệt, càng trở nên gay go.

Nên giải quyết những mối mâu thuẫn đó thế nào?

Có người thì cho rằng: trong Đảng việc gì cũng tốt, không có khuyết điểm gì đáng lo. Có người lại cho rằng: Trong Đảng cái gì cũng kém, đầy những khuyết điểm, vì vậy mà họ bi quan, thất vọng. Hai cách nhận xét đó đều không đúng.

Sự thật là: Đảng ta rất tiền tiến, rất vẻ vang. Nhưng nội bộ vẫn còn những sự sai lầm và khuyết điểm. Đồng thời, chúng ta thấy cái nguồn gốc của những sai lầm khuyết điểm đó, và chắc tìm được cách sửa chữa. Chúng ta quyết tâm công tác thêm, để làm cho Đảng tiến bộ thêm mãi.

Thái độ mỗi người đối với những khuyết điểm của Đảng ta cũng khác nhau.

Bọn phản động thì lợi dụng những khuyết điểm đó và tô vẽ thêm để phá hoại Đảng ta.

Lợi dụng những sai lầm và khuyết điểm đó, để đạt mục đích tự tư tự lợi của họ. Đó là thái độ của đảng viên và cán bộ đầu cơ.

Bọn thứ ba thì sao cũng mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình. Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn yếu ớt.

Bọn thứ tư thì đối với những người có khuyết điểm và sai lầm đó, như đối với hổ mang, thuồng luồng. Họ đòi phải đuổi bọn kia ra khỏi Đảng ngay. Nếu Đảng không làm như thế thì họ cho rằng: Thôi, hỏng hết rồi! Do đó, họ đâm ra chán nản, thất vọng. Hoặc họ không làm gì nữa hết. Thậm chí họ bỏ Đảng. Đó là thái độ những người máy móc quá. Đó cũng là bệnh “chủ quan”.

Thái độ thứ năm, là thái độ đúng. Tức là:

a) Phân tách rõ ràng, cái gì đúng, cái gì là sai.

b) Không chịu nổi ảnh hưởng của những chủ trương sai lầm, những phần tử không tốt. Ra sức học tập và nâng cao những kiểu mẫu tốt.

c) Không để mặc kệ. Mà ra sức tranh đấu sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng.

d) Không làm cách máy móc. Nhưng khéo dùng cách phê bình và tự phê bình để giúp đồng chí khác sửa đổi những sai lầm và khuyết điểm, giúp họ tiến bộ.

đ) Đoàn kết Đảng bằng sự tranh đấu nội bộ. Nâng cao kỷ luật và uy tín của Đảng.

Bọn phản động và bọn đầu cơ là địch nhân lọt vào trong Đảng để phá hoại. Vì vậy chúng ta phải ra sức đề phòng. Mỗi khi trong Đảng có khuyết điểm thì chúng ta phải tìm cách chớ để cho ai lợi dụng. Đó là phận sự của mỗi một đảng viên chân chính.

Thái độ thứ ba, ai mặc kệ ai, cố nhiên cũng không đúng. Tuy vậy, trong Đảng, còn có nhiều người giữ thái độ đó, nhất là khi cấp dưới đối với cấp trên. Thái độ đó thường sinh ra thói “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”. Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng. Nó để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất lại và phát triển ra.

Nếu theo thái độ thứ tư thì Đảng chỉ còn một nhóm cỏn con, vì số đông sẽ bị khai trừ hết. Mà chính những người có thái độ đó cũng bị khai trừ, vì họ đã phạm cái khuyết điểm hẹp hòi.

Kết luận - Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi.

C. TƯ CÁCH VÀ BỔN PHẬN ĐẢNG VIÊN

1. Tư cách

a) Thừa nhận chính sách của Đảng. Thực hành các nghị quyết của Đảng. Ra sức làm công việc Đảng. Nộp đảng phí.

b) Những người trí thức, công nhân, nông dân, phụ nữ, quân nhân, hăng hái yêu nước, từ 18 tuổi trở lên đều được vào Đảng.

c) Mỗi người muốn vào Đảng phải có hai đảng viên cũ giới thiệu.

- Những người bỏ đảng phái khác mà vào Đảng, phải có ba người giới thiệu, và phải được cấp trên của Đảng chuẩn y.

- Những người rời Đảng đã lâu, mà có người làm chứng rằng, trong thời gian đó không hề làm việc gì có hại cho Đảng, thì được trở lại làm đảng viên.

d) Những người mới vào Đảng phải qua một thời kỳ dự bị. Nông dân và công nhân hai tháng. Quân nhân ba tháng. Trí thức bốn tháng.

đ) Trong thời kỳ dự bị, Đảng phải dạy dỗ cho họ, và trao việc cho họ làm. Đồng thời, Đảng phải xem xét tính nết, công tác và lịch sử của họ.

- Những người giới thiệu phải giúp đỡ họ học tập và công tác.

e) Những người dự bị phải công tác cho Đảng và nộp đảng phí.

Họ có quyền tham gia huấn luyện, đề ra ý kiến, bàn bạc các vấn đề, nhưng không có quyền biểu quyết.

Họ cũng chưa có quyền giữ các trách nhiệm chỉ đạo như làm tổ trưởng, thư ký, v.v.. (Trong những hoàn cảnh đặc biệt, như nơi đó mới bắt đầu có Đảng, hoặc đại đa số đều đảng viên mới, thì không phải theo lệ này).

2. Bổn phận

a) Suốt đời tranh đấu cho dân tộc, cho Tổ quốc.

b) Đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, lên trước hết.

c) Hết sức giữ kỷ luật và giữ bí mật của Đảng.

d) Kiên quyết thi hành những nghị quyết của Đảng.

đ) Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc.

e) Cố gắng học tập chính trị, quân sự, văn hoá. Phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng.


             D- PHẢI RÈN LUYỆN TÍNH ĐẢNG

Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên.

Tính đảng là gì?

Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.

Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn.

Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng khu.

Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết.

Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.

Vì kém tính đảng mà có những bệnh sau này:

Bệnh ba hoa, Bệnh chủ quan, Bệnh địa phương, Bệnh hình thức, Bệnh ham danh vị, Bệnh ích kỷ, Bệnh thiếu kỷ luật, Bệnh hủ hoá, Bệnh cẩu thả (gặp sao hay vậy), Bệnh thiếu ngăn nắp, Bệnh xa quần chúng, Bệnh lười biếng.

Mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển.

Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình.

Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình.

Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm.

Về mặt Đảng thì phải thực hành những điều sau này:

1. Phải nghiêm ngặt kiểm tra, các địa phương phải kiên quyết thực hành những nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chống lại cái thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo.

2. Nơi nào sai lầm, ai sai lầm, thì lập tức sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thói “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật - mục đích là cốt sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng.

3. Phải kiên quyết thực hành kỷ luật, tức là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương.

4. Phải đòi hỏi mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư; cần, kiệm, liêm, chính!”

(Còn nữa)

—————————-

Nxb. Sự thật xuất bản lần đầu tiên năm 1948
Xuất bản lần thứ 7, năm 1959.
Theo sách xuất bản lần thứ 7, năm 1959.

Theo trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sửa đổi lối làm việc

Sửa đổi lối làm việc

Mọi người phải nhớ rằng: cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành một ưu điểm lớn, rất lợi cho Đảng và công cuộc kháng chiến.