Hà Giang là tỉnh có vị thế chiến lược đặc biệt, là nơi biên cương địa đầu của Tổ quốc. Tinh thần của người dân Hà Giang luôn tìm cách vươn lên như những cây chè Shan Tuyết cổ thụ, dưới là đất đá cằn  cỗi, trên là giá rét tuyết phủ, vẫn trường tồn theo năm tháng. 

Mục tiêu phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 đặt ra rất ý nghĩa. Đó là xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế-xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế-xã hội trung bình khá của cả nước.

"Sống trên đá, thoát nghèo trên đá"

Chia sẻ với báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho hay, thời gian qua, Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, đào tạo, tín ngưỡng, tôn giáo... Trong đó, có nhiều quyết sách quan trọng nhằm tạo đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho Nhân dân.

Hà Giang mùa hoa

Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy truyền thống cách mạng và sức mạnh đoàn kết các dân tộc để từng bước phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Công tác giáo dục, đào tạo được quan tâm, từng bước nâng cao chất lượng; mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di sản địa chất được quan tâm. Các hoạt động thể dục, thể thao, phong trào được tổ chức thường xuyên. Nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân được đáp ứng, góp phần thúc đẩy, động viên phát huy nguồn lực của tôn giáo cho sự nghiệp phát triển chung của xã hội…

Cùng với các hoạt động, Hà Giang luôn quan tâm, chú trọng rèn luyện nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống, truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc, giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh và thế hệ trẻ…

Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chương trình để cụ thể hóa 3 khâu đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong đó, có nhiều quyết sách quan trọng nhằm tạo đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; tạo sinh kế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Hà Giang nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo bài trừ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) để giúp nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ; công tác thông tin, tuyên truyền và chuyển đổi số được thực hiện bài bản...

Tận dụng chuyển đổi số để "tiến tới làm giàu trên đá"

Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, tỉnh Hà Giang xác định lấy chuyển đổi số là cơ hội để bứt phá, vươn lên, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội.

BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong đó đặt mục tiêu chuyển đổi số tạo ra giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của tỉnh, thay đổi mô hình khởi nghiệp kinh doanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần thực hiện thắng lợi ba đột phá, năm nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đưa Hà Giang trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh, cùng với việc ký kết các thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện chuyển đổi số, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, trong đó: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số; thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; thành lập Ban điều hành chuyển đổi số do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; thành lập 07 Tổ công tác trên 07 lĩnh vực chính của chuyển đổi số; thành lập Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo, Ban điều hành về chuyển đổi số; tại các địa phương, tỉnh thí điểm thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã và thí điểm thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại mỗi thôn, bản, tổ dân phố...

Đặc biệt, từ năm 2022, Hà Giang lựa chọn ngày 28/8 hàng năm là Ngày chuyển đổi số của tỉnh. Đây cũng là dịp để UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đánh giá, tổng kết các nhiệm vụ chuyển đổi số; ghi nhận, tôn vinh các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác chuyển đổi số; qua đó tiếp tục cho thấy nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn.

Xác định chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, khách quan của xã hội, mở ra cơ hội cho tất cả các tổ chức, cá nhân, đưa Hà Giang phát triển mạnh về kinh tế - xã hội trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh Hà Giang cho biết: để thúc đẩy tiến độ triển khai chuyển đổi số theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra, địa phương xác định nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh chỉ đạo công tác chuyển đổi số; tăng cường nhân lực công nghệ thông tin; lồng ghép các nguồn kinh phí, các chương trình để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Mỗi sở, ngành phải tiết kiệm chi phí để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị mình. Đặc biệt trên cơ sở nội dung chuyển đổi số phải huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai các nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và tạo lập hệ thống để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng số, chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan nhà nước, bám sát vào kế hoạch chuyển đổi số của từng ngành...

Về Kinh tế số, địa phương đã xây dựng trang thông tin chương trình chuyển đổi số doanh nghiệp tỉnh Hà Giang tại địa chỉ https://chuyendoiso.hagiang.gov.vn; triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2022. Cùng với đó, huy động sự phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp nền tảng số nhằm triển khai đưa sản phẩm nông sản, hộ sản xuất nông nghiệp trên địa tỉnh Hà Giang lên sàn thương mại điện tử (sendo, shop VnExpress, postmark, voso), tập trung vào các sản phẩm có sản lượng lớn, nông sản chủ lực như cam, chè shan tuyết, mật ong bạc hà… Tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, Hội nghị trực tuyến hướng dẫn đưa sản phẩm nông nghiệp, đặc trưng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử; triển khai vận hành gian hàng triển lãm thực tế ảo 3D tại Website “Triển lãm chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam” và đăng tải tin bài để truyền thông, quảng cáo sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Hà Giang trên nền tảng số.

Xã hội số được chú trọng đẩy mạnh với việc tập trung truyền thông số về Hà Giang trên các nền tảng số, những kết quả nổi bật của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng; hình ảnh, văn hoá truyền thống đặc sắc của quê hương, con người Hà Giang; các chủ trương, chính sách thu hút các nhà đầu tư, phát triển du lịch của Hà Giang. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực Y tế, Giáo dục, phấn đấu 50% cơ sở giáo dục, y tế trở lên sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho các cơ sở y tế, giáo dục, thúc đẩy y tế, giáo dục thông minh.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực du lịch, tỉnh Hà Giang đã và đang tăng cường áp dụng công nghệ số, chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để thu hút khách du lịch, hướng đến phát triển du lịch bền vững hơn. Tập trung truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong du lịch; khuyến khích yêu cầu các điểm du lịch, các đơn vị lưu trú tăng cường chuyển đổi số, tăng cường truyền thông quảng bá trên các nền tảng số, cập nhật thường xuyên hình ảnh về mảnh đất và con người Hà Giang đẹp và mến khách với đa sắc màu văn hóa. Cùng với đó, hàng loạt sản phẩm du lịch số ra mắt, các lễ hội văn hóa gắn với sự kiện thường niên của tỉnh như: Lễ hội hoa tam giác mạch, Tuần lễ văn hóa Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Lễ hội nhảy lửa;... cũng được quảng bá trên các nền tảng số, thu hút đông đảo du khách thập phương.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số, theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Giang, địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện chuyển đổi số đối với các ngành, lĩnh vực với quan điểm dễ làm trước, khó làm sau, kinh phí ít, hiệu quả cao, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Với ý chí “khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba”, với quyết tâm tận dụng chuyển đổi số để bứt pháp, chắc chắn Hà Giang không chỉ "sống trên đá", mà sẽ sớm "làm giàu trên đá".

Yên Minh