Sáng 8/12, Hà Giang tổ chức Lễ Kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh (20/8/1891 – 20/8/2021), 30 năm tái lập tỉnh (1/10/1991 – 1/10/2021) và 60 Bác Hồ lên thăm Hà Giang (26/3/1961-26/3/2021).

Theo đó, ngày 20/8/1891, tỉnh Hà Giang được thành lập. Giai đoạn 1891-1930, người dân Hà Giang chịu sự khai thác và bóc lột của thực dân Pháp. Không những đặt Hà Giang vào chế độ quân quản, thực dân Pháp còn duy trì và củng cố quan hệ bóc lột phong kiến sẵn có.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ánh sáng cách mạng của Đảng, tinh thần yêu nước của nhân dân các dân tộc Hà Giang được tiếp thêm sức mạnh.

{keywords}
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Ngày 25/12/1945, Đảng bộ tỉnh Hà Giang được thành lập, từng bước lãnh đạo nhân dân các dân tộc giải quyết tận gốc nạn thổ phỉ, phát triển kinh tế, văn hóa, tăng cường xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Giai đoạn 1976-1991, hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên, nhân dân các dân tộc Hà Tuyên tiếp tục đoàn kết một lòng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giành được những thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế.

Năm 1991, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã quyết định chia tách tỉnh Hà Tuyên thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Ngày 1/10/1991, tỉnh Hà Giang chính thức được tái thành lập.

Trong diễn văn kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh điểm lại chặng đường 130 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, đến nay Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Hình ảnh mảnh đất, con người Hà Giang luôn ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Giai đoạn 2015 đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 6,8%. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% các thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm. 100% dân số đô thị, 94,4% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 42%. Tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế 100%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,5%.

Bên cạnh đó, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ; văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh còn 18,54% năm 2021; đã xây dựng được hơn 5.100 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự ATXH được đảm bảo.

Hà Giang phấn đấu "sống trên đá, thoát nghèo trên đá và làm giàu trên đá”

Tới dự và phát biểu tại lễ kỉ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự phát triển, đổi thay tích cực của Hà Giang.

Theo Chủ tịch nước, mặc dù nhiều khó khăn, vất vả, bất lợi, chia cắt về địa hình, điều kiện giao thương, hạ tầng kinh tế xã hội nghèo nàn, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí chưa cao,... Nhưng với tinh thần "khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba", Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc của Hà Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt khó đi lên và dành được thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. 

{keywords}
Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Dù nền tảng, động lực phát triển kinh tế chưa mạnh, nhưng kinh tế Hà Giang vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực, năng suất lao động tăng lên, hiệu quả trong sản xuất cải thiện,...

Cùng với kinh tế, đời sống văn hóa và tinh thần của người dân nhiều tiến bộ; nhiều thành tựu về giáo dục, y tế, chính sách phúc lợi của nhân dân được tăng cường, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền đã thực hiện tốt quan điểm "không để ai bị bỏ lại phía sau". Bên cạnh đó, lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững, hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố. Chủ tịch nước mong muốn Hà Giang phát huy để có những thành quả to lớn hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch nước điểm lại các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra: "Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh trung bình khá của cả nước".  Chủ tịch nước lưu ý, để phát triển kinh tế trước hết năng lực của đội ngũ cán bộ phải được tăng cường, nâng cao.

Đặc biệt, với tỉnh có nhiều điều kiện đặc thù như Hà Giang, chính sách xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng, tỉnh phải có chính sách an sinh, có giải pháp giảm nghèo, tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, phúc lợi cho người dân; trong đó cần thiết kế các chính sách đặc thù, vừa hỗ trợ vừa thúc đẩy tinh thần tự lực vươn lên của người dân.

Nhấn mạnh vai trò của giáo dục, nâng cao dân trí, Chủ tịch nước lưu ý Hà Giang cần thúc đẩy chính sách giáo dục, coi đây là chìa khóa tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển; cần thay đổi cơ bản chất lượng giáo dục, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có kiến thức, có tấm lòng.

Bên cạnh đó, trên cơ sở phát huy các tiềm năng và lợi thế riêng có, Hà Giang cần tiếp tục tìm kiếm mô hình và động lực tăng trưởng kinh tế mới. Lựa chọn hỗ trợ đầu tư có trọng tâm đối với một số ngành có lợi thế, nhất là du lịch, sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và dược liệu gắn với chế biến sâu tại chỗ nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Triển khai thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững. Phấn đấu để đồng bào dân tộc ở Hà Giang không chỉ “sống trên đá, thoát nghèo trên đá” mà còn tiến tới “làm giàu trên đá”.

Thanh Hà