Những ngày cuối năm này, trên những cánh đồng ở thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên) trải một màu vàng rực, sáng bừng cả một khoảng trời. Những bông hoa cúc chi nhỏ xíu đua nhau khoe sắc, tỏa hương nhẹ nhàng, dễ chịu.
Trên những thửa ruộng, tiếng cười nói rôm rả của người nông dân đang tất bật thu hái hoa cúc cho kịp lứa. Từ trẻ nhỏ, thanh niên đến người già đều ra đồng hái hoa. Trong làng, các lò sấy hoa hoạt động liên tục, tạo nên không khí nhộn nhịp cả một vùng.
Gia đình chị Nguyễn Thu Thúy ở thôn Nghĩa Trai được coi là một trong những hộ có diện tích trồng hoa cúc chi lớn trong thôn, với gần 1 mẫu trồng hoa. Đây cũng là nghề đem lại thu nhập chính cho gia đình chị, giúp cuộc sống của gia đình ngày một ổn định, khấm khá hơn.
Nhẹ tay cho những bông hoa vào lò sấy, chị Thúy chia sẻ, nghề trồng hoa cúc chi làm dược liệu tại đây đã có từ lâu đời, cứ đời nọ nối tiếp đời kia, vì vậy cũng không mấy ai biết chính xác nghề này có từ bao giờ.
Nghề trồng hoa cúc chi đã có hàng trăm năm nay ở thôn Nghĩa Trai |
Từ khi về làm dâu, đến nay chị Thúy đã tiếp nối nghề truyền thống của gia đình nhà chồng được gần 20 năm.
Theo chị Thúy, hoa cúc chi trồng tại thôn này có màu vàng ruộm, bông tròn, nở đẹp, có mùi thơm rất dễ chịu, khác hẳn so với các giống hoa cúc trồng ở nơi khác. Từ tháng 7 Dương lịch, người dân bắt đầu lên luống và trồng những cây hoa cúc. Khoảng 4-5 tháng sau cây bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 1-1,5 tháng.
Anh Ánh, chồng chị Thúy, nói thêm: “Mỗi thời, giá cả một khác. Như những năm 1991, giá hoa cúc chỉ có hơn chục nghìn đồng một cân, rồi dần dần tăng lên 100.000-200.000 đồng/kg. Song 3-4 năm trở lại đây, loại hoa này mới được giá, có thời điểm lên đến 400.000-500.000 đồng/kg”.
Riêng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoa cúc chi của gia đình nhà anh bị mất mùa, bông không được đẹp như những năm trước nên giá cũng giảm đáng kể, chỉ còn gần 300.000 đồng/kg.
Thông thường 6-7kg hoa tươi mới được 1kg hoa khô. Ước tính, sản lượng hoa khô trung bình năm 2020 đạt khoảng 50 kg/sào. Với giá bán như hiện nay, gia đình chị Thúy thu được khoảng 15 triệu/sào, trừ đi chi phí gọi là lấy công làm lãi. Bởi theo chị, nghề làm hoa cúc này rất vất vả, kỳ công như chăm con mọn, thường xuyên phải chăm bón, bấm ngọn, làm đất, trừ sâu. Đến mùa thu hoạch, chị phải thuê thêm 10 người nữa mới làm xuể. Nhiều hôm đến tận tối mịt vợ chồng chị mới ngơi tay.
Loại hoa cúc nhỏ xinh này thường được dùng để làm dược liệu và trà |
Vào dịp cuối năm những cánh đồng tại thôn Nghĩa Trai trải màu vàng rực |
Từ ngày xưa, hoa cúc chi vùng này đã được chuyển vào miền Nam để làm thuốc, xuất sang Trung Quốc và các nước trong khu vực. Cũng nhờ nghề truyền thống này đã giúp anh chị trang trải cuộc sống, từng bước ổn định. Như năm nay, dù mất mùa, song gia đình anh Ánh chị Thúy vẫn thu được 150 triệu đồng từ loại hoa này.
Cách đó không xa, ruộng hoa cúc chi của gia đình cô Trần Thị Dương cũng đang bước vào đợt thu hoạch rộ. Cô Dương chia sẻ: “Năm nay, trời ít mưa, hanh khô kéo dài nên cúc mất mùa, không sai hoa như mọi năm, cộng thêm ảnh hưởng của Covid-19 nên cũng bán chậm hơn”.
Gắn bó với nghề truyền thống từ khi còn nhỏ, cô Dương kể, trước đây hoa cúc chi của làng chủ yếu dùng làm dược liệu, sản xuất thuốc, giá hoa ngày đó chỉ khoảng 13.000-14.000 đồng/kg, gia đình cô cũng chỉ trồng 2-3 sào. Nhưng vài năm trở lại đây, hoa cúc dùng làm trà uống ngày càng phổ biến, bán lại được giá, đỉnh điểm có năm cúc làm trà lên đến 600.000-800.000 đồng/kg.
Được giá, cô Dương liền thuê thêm đất mở rộng diện tích trồng hoa cúc chi lên 5 sào ruộng.
Hiện giá hoa tươi cô bán từ 40.000-50.000 đồng/kg, còn hoa khô 250.000-450.000 đồng/kg tùy loại, trong đó hoa sấy điện hay còn gọi là sấy sạch, thường dùng để pha trà uống có giá cao hơn hoa sấy qua diêm dùng làm dược liệu.
Người dân tất bật hái những bông hoa cúc chi trên cánh đồng |
Giá hoa cúc chi sấy khô dao động từ 250.000-450.000 đồng/kg, có năm lên tới 600.000-800.000 đồng/kg |
“Hoa cúc chi có vị đắng, hơi ngọt, hương thơm dịu nhẹ, dễ chịu, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có thể sử dụng chữa các bệnh hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mất ngủ,... Đa phần, tôi bán loại hoa làm dược liệu cho các mối buôn, hiệu thuốc là chủ yếu”, cô nói.
Thường thì cứ 7-10 ngày hoa lại ra một lứa, trung bình mỗi người hái được 15-20 kg hoa/ngày tùy đợt hoa rộ. Song, hoa cúc chi phải được hái đúng kỳ, khi hoa nở ở độ đẹp nhất, nếu để muộn hơn hoa sẽ già, mất dược tính.
Tùy theo mục đích sử dụng, hoa cúc sau khi thu hoạch sẽ sấy lạnh trực tiếp hoặc đem phơi 3-4 nắng, sau đó đưa vào lò sấy. Sấy xong, hoa cúc lại được phơi 7-10 ngày rồi mới cho vào bao ni lông bọc kín lại để bảo quản.
Thời điểm này, hoa đã vào những lứa cuối, đến sát Tết là thu hoạch hết sạch. Tiền thu được từ loại cúc này đủ lo một cái Tết ấm cúng cho gia đình, cô Dương cho hay.
Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Đỗ Thị Lệ - trưởng thôn Nghĩa Trai - cho biết, nghề trồng hoa cúc chi gắn liền với nghề trồng và chế biến thuốc nam, thuốc bắc đã có từ hàng trăm năm nay, được các đời cha ông để lại. Xưa kia, loại hoa này rất quý, được dâng lên nhà vua nên còn gọi là cúc tiến vua.
Tổng diện tích trồng hoa cúc chi của thôn là 52 mẫu. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh nên sản lượng hoa cúc khô bình quân đạt 20,8 tấn/vụ. Ước tính doanh thu vụ này từ hoa cúc chi của thôn Nghĩa Trai đạt khoảng 7,8 tỷ đồng.
Ngoài trồng và chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, hoa cúc chi còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trong khu vực, góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân trong thôn, xây nhà dựng cửa, phát triển kinh tế cho người dân. Có năm được mùa, được giá, nhiều hộ gia đình thu được 400-500 triệu đồng/vụ.
Nhật Thanh