Tôi vừa được bạn bè tặng mấy hộp trà kỷ cúc (kỷ tử - hoa cúc) để ổn định huyết áp, tim mạch. Bác sĩ tư vấn giúp tôi cách dùng loại trà này cũng như các tác dụng với sức khỏe được không ạ? (Vân Thanh, Đồng Nai).

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, trả lời:

Những ngày Tết vừa qua, một số người có cảm giác bị quá tải với lượng chất đạm, chất béo dư thừa từ thịt, bánh mứt. Bạn có thể khắc phục được điều khó chịu này với những ly trà hoa vì giúp thanh lọc cơ thể hiệu quả. Trà kỷ tử cúc hoa, hay còn gọi là trà kỷ cúc, là loại đồ uống như vậy.

Hoa cúc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp điều trị đau đầu, chóng mặt, nóng trong người, mụn nhọt. Ngoài ra, còn giúp trị cảm cúm, viêm mũi, tăng huyết áp, làm đẹp da, giúp an thần - ngủ ngon. 

Trong Đông y, trà hoa cúc thường kết hợp với các loại thảo dược khác như bồ công anh, táo đỏ, kỷ tử, hoa kim ngân,… để tạo thành các bài thuốc chữa bệnh. Trà hoa cúc còn có tác dụng an thần do chứa chất apigenin liên kết với một số thụ thể trong não, giúp gây buồn ngủ và giảm chứng mất ngủ. 

Kỷ tử là vị thuốc rất tốt cho thận và bổ mắt, tăng cường sức đề kháng, đẹp da, trị chứng chóng mặt, làm chậm quá trình lão hóa.

Một số nghiên cứu cho thấy kỷ tử góp phần làm ổn định đường huyết, hạ lipid máu và đặc biệt có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư (do có nhiều chất chống oxy hóa hiệu quả).

Với sự kết hợp hai vị thuốc trên, trà kỷ cúc mang lại nhiều tác động tích cực cho sức khỏe. Loại trà này tốt cho tim mạch do có chứa chất flavones (một hợp chất chống oxy hóa) tham gia vào quá trình trao đổi chất và làm giảm cholesterol, cải thiện các hoạt động của hệ tim mạch.

Trà kỷ cúc có nhiều chất chống oxy hóa hiệu quả. Ngoài việc giúp cơ thể giữ sự khỏe mạnh, những chất này còn hỗ trợ chống lại tế bào ung thư, đặc biệt là tế bào ung thư vú, đường tiêu hóa, tuyến tiền liệt và tử cung.

Tính hàn trong trà kỷ cúc có thể giúp giảm sốt, giảm đau và giải cảm. Nếu đang bị nổi mẩn ngứa, bạn có thể uống trà này hằng ngày để giảm triệu chứng do tính kháng khuẩn, thanh nhiệt, giải độc hiệu quả.

Mặc dù trà kỷ cúc tương đối lành tính nhưng người có thể trạng yếu, ớn lạnh, tiêu chảy, không nên sử dụng. Lưu ý, không uống trà khi đói vì rất dễ bị hạ đường huyết, làm dịch vị bị biến đổi và đau dạ dày.

Trà kỷ cúc thích hợp uống sau khi ăn nhiều dầu mỡ để hỗ trợ cơ thể tiêu hóa, giảm cảm giác đầy hơi. Người bệnh không dùng trà kỷ cúc để uống thuốc, có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ cũng như tác dụng của thuốc.