Bước ngoặt 

Sinh năm 1943, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty Rạng Đông, đã có quyết định táo bạo. Năm 2020, năm đầu tiên Rạng Đông tiến hành chuyển đổi số. Ông cho hay: "Chúng tôi luôn xác định rằng khi triển khai chuyển đổi số, công nghệ không phải là câu trả lời mà chính là con người, yếu tố tiên quyết dẫn đến sự thành công của chuyển đổi số".

Theo ông Thăng, dự thảo chiến lược chuyển đổi số ra đời trong giai đoạn nhà máy bị cháy năm 2019. Ngoài việc khắc phục hậu quả, Rạng Đông tiếp tục theo đuổi tham vọng số và coi đó là động lực lớn cho sự phát triển trong những điều kiện mới.

Lãnh đạo công ty cũng cho biết, nếu cứ giữ mô hình cũ, tăng trưởng tiệm tiến khoảng 5-10% mỗi năm, trong khi khoảng cách tụt hậu của chúng ta so với 3 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan) còn rất xa, chưa nói so với các nước phát triển. Chỉ với chuyển đổi số - mô hình tăng trưởng cấp số nhân, mới hy vọng chúng ta đuổi kịp.

Từ sản xuất bóng đèn dây tóc, Rạng Đông đã phát triển các sản phẩm Smart Led, tham gia Hệ sinh thái Smart Home, Smart City là con đường nâng tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao từ 20% lên 80% trong các năm tới.

{keywords}
Doanh nghiệp trước thách thức chuyển đổi số

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty aKa Furniture, nhìn nhận, Covid-19 kéo dài hai năm nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với các DN sản xuất gỗ là 3 tháng vừa qua.

Năm đầu tiên, lo ngại về đứt gãy thị trường chỉ gián đoạn trong tháng 3, tháng 4/2020. Lúc đó, các doanh nghiệp Việt cũng thích ứng nhanh khi đứt gãy chuỗi liên lạc với khách hàng. Việt Nam vẫn giữ được liên lạc với các bạn hàng thông qua công nghệ, các showroom ảo trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có.

Nếu Covid-19 xảy ra 5 năm trước đây, ông Phương đánh giá sẽ gây thiệt hại kép là vừa đứt gãy thị trường vừa không đảm bảo liên lạc với khách hàng.

Theo ông, sự thành công của ngành gỗ là đã giữ được an toàn trong suốt 1 năm rưỡi qua: 2020 và nửa đầu 2021. Có những thời điểm, ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng 60% doanh số. Tất nhiên, gỗ là mặt hàng đặc thù, hàng nội thất cho gia đình, tức là người ta vẫn ở nhà, càng ở nhà người ta càng thay đổi đồ nội thất.

Cùng với sự hỗ trợ công nghệ thông tin, sức mua vẫn đang rất tốt. Cộng với sự tăng trưởng về nhu cầu của một số thị trường như Hàn Quốc. Trong suốt đợt dịch cao điểm lần thứ tư, 50% nhà máy vẫn duy trì được sản xuất 3 tại chỗ, giúp thích ứng nhanh. "Vượt qua Covid-19 lần này có đóng góp rất lớn của công nghệ và sự gan lỳ của người Việt", ông nói.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, chia sẻ: "Hai năm qua, không ai trong chúng ta ngồi đây có thể lường trước được sự tàn phá của đại dịch Covid-19. Chúng tôi dự báo rằng trong 2 năm tới, dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro”.

"Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen khó lường, chỉ có một điều chắc chắn rằng, công nghệ sẽ giúp cho doanh nghiệp của chúng ta linh hoạt hơn, nhờ thế chúng ta sẽ kinh doanh, sản xuất an toàn hơn", vị CEO của FPT khẳng định.

Vượt qua rào cản

Theo ông Marcin Miller - Giám đốc Tư vấn McKinsey Việt Nam, trước Covid-19, nhiều công ty thử nghiệm công nghệ nhưng chưa biết cách thức vận hành. Hiện tại, thông qua kinh nghiệm, các DN có thể áp dụng công nghệ để cải thiện tình hình kinh doanh, như máy học, AI, robot, áp dụng rộng rãi, là chủ đề chính của các cuộc họp, ban lãnh đạo.

Điển hình như VA, xe tự hành, máy bay không người lái - trước kia là điều không tưởng, nay được áp dụng thành công trên thế giới.

{keywords}
Cơ hội bứt phá từ chuyển đổi số

Cũng theo chuyên gia, người lao động cần cải thiện nhất ở các kỹ năng: cảm thông tốt hơn, trí thông minh cảm xúc. Các công ty cũng hình thành các nhóm phát triển phần mềm, dịch chuyển lên đám mây, nhận thức tầm quan trọng của đổi mới với lực lượng cán bộ công nghệ đông đảo.

"Chúng ta đang sống trong thế giới khác, cần học hỏi nhanh, thích ứng nhanh hơn. Những công ty làm được điều này sẽ nhanh chóng thành công trong tương lai", ông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc - Phó Tổng Giám đốc, Bộ phận chiến lược và hoạt động KPMG Việt Nam - cũng nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn và vượt qua các thách thức của đại dịch.

"Con người đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình này, chúng ta có công nghệ rồi nhưng cũng cần có đội ngũ phù hợp", ông nói.

Bàn về giải pháp chuyển đổi số, ông Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc Tư vấn FPT Digital, cho rằng, để đảm bảo việc chuyển đổi số thành công và hiệu quả, phải có sự liên kết chặt chẽ, linh hoạt với 3 mục: kinh doanh, chuyển đổi về công nghệ và chuyển đổi về con người.  Theo ông Cường, khủng hoảng là thời điểm vàng để các doanh nghiệp chuyển mình. 

Ông đánh giá, Việt Nam có 3 ưu thế: Một là sự ủng hộ của nhà nước. Việt Nam đã có chiến lược rất rõ ràng cho chuyển đổi số và cũng đang đưa ra các hỗ trợ cách thức cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số cho mình. Hai là hạn chế của phương thức làm việc truyền thống. Các kênh truyền thống đang phải thay đổi rất nhiều bởi không còn phù hợp. Cuối cùng, các điều kiện tự nhiên của Việt Nam sẵn sàng và về phổ biến công nghệ, nước ta đang nằm trong top 20 quốc gia sử dụng Internet cao nhất thế giới.

Ông André Heskamp, Giám đốc Khối kỹ thuật số và vận hành CNTT khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đưa ra lời khuyên để các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội trên thị trường. 

{keywords}
Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT

"Trong giai đoạn Covid-19, chúng tôi đã chuyển đổi số rất nhiều để nắm bắt các cơ hội. Cần hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng để đáp ứng và dự báo trước sự thay đổi của thị trường. Công ty đang tập trung rất nhiều vào đảm bảo tính bền vững của các nhà máy, bảo vệ môi trường, áp dụng các công nghệ số để linh hoạt hơn, dự báo được các sự cố và cách thức phản ứng, xử lý các thay đổi", ông cho biết.

Ngoài ra, theo ông André Heskamp, doanh nghiệp cần phải chuyển từ việc thụ động sang chủ động quản lý chuỗi cung ứng và đảm bảo con người thay đổi theo tình hình mới, xây dựng năng lực cho nhân viên.

“Sự thay đổi của thế giới, phải mất 10-20 năm mới diễn ra một cuộc cách mạng, nhưng Covid-19 đã đẩy nhanh hơn tiến trình này, chỉ trong 1-2 năm. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã xảy ra xong rồi và đang chuẩn bị cho cuộc mạng công nghiệp 5.0. Chuyển đổi số không phải là đích hướng đến mà là một chặng đường, với những mục tiêu cao hơn, nhưng cũng có những bất định làm chúng ta vững vàng hơn” - ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT - khẳng định.

Duy Anh

Gặp gỡ trên 'đám mây': Bắt tay ảo, đơn hàng thực

Gặp gỡ trên 'đám mây': Bắt tay ảo, đơn hàng thực

Triển lãm trực tuyến dễ tiếp cận khách hàng và tương tác hai chiều trên các nền tảng truyền thông số của doanh nghiệp tham gia.