Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, Hội đồng chuyên môn đã có kết luận về các sai phạm trong vụ 4 sản phụ và trẻ sơ sinh ở Quảng Ngãi tử vong. Theo đó, một trong những nguyên nhân chính là do bác sĩ thiếu tinh thần trách nhiệm.

TIN BÀI KHÁC


Bốn trường hợp tử vong là Lê Thị Hương, 23 tuổi ở thôn 1, xã Long Hiệp, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi; sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, 39 tuổi ở thôn An Hội 1, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa; con của sản phụ Trần Thị Vân Anh sinh năm 1983 ở tổ 14, Phường Trần Phú - Quảng Ngãi và sản phụ Huỳnh Phan Thanh Tùng, 33 tuổi ở thôn Phước An, xã Đức Hoà, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Những hình ảnh này không còn là cá biệt ở các bệnh viện tỉnh Quãng Ngãi

Nguyên nhân dẫn đến các vụ tử vong đáng tiếc trên, theo Sở Y tế là do năng lực chuyên môn của một số bác sĩ, nữ hộ sinh còn hạn chế. Bác sĩ, nữ hộ sinh trực tiếp theo dõi, điều trị chưa thực hiện đúng quy chế chuyên môn, tinh thần trách nhiệm chưa cao trong quá trình khám bệnh, theo dõi diễn biến, điều trị.

Cụ thể, trường hợp trẻ sơ sinh con của sản phụ Trần Thị Vân Anh sinh năm 1983 ở tổ 14, Phường Trần Phú - Quảng Ngãi tử vong được kết luận là do suy hô hấp nặng không hồi phục và hít phân su, thai nhi già tháng độ II. Kết luận cho thấy, nguyên nhân do bác sĩ đã tắc trách không thực hiện siêu âm sản phụ, cho chỉ định đo biểu đồ tim thai nhưng không đọc kết quả theo dõi, trong khám lâm sàng chưa ghi nhận các triệu chứng cụ thể (cơn gò, tim thai).

Đặc biệt, lúc 4g30 ngày 21/6, nữ hộ sinh mời bác sĩ khám bệnh thì đến 6 giờ bác sĩ mới khám bệnh. Khi đó, bác sĩ có ghi nhận ối vỡ không rõ màu và các triệu chứng khác nhưng lại không cho kiểm tra siêu âm, đo biểu đồ tim thai - cơn gò; bác sĩ trực không báo cáo diễn biến bệnh cho bác sĩ trưởng ca trực. Còn bác sĩ trưởng ca trực chưa thực hiện khám bệnh nhân mới theo quy định.

Đối với trường hợp cả mẹ lẫn con sản phụ Lê Thị Hương, 23 tuổi ở thôn 1, xã Long Hiệp, huyện Minh Long. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong là do nhồi máu phổi. Tuy nhiên khi nhập viện, nữ hộ sinh theo dõi chăm sóc không sát nên không phát hiện kịp thời diễn biến bệnh để báo bác sĩ.

Các bác sĩ ca trực này đã không phát hiện và ghi nhận được bệnh lý tim mạch của sản phụ nên không tiên lượng chính xác và đưa ra biện pháp can thiệp hiệu quả, dẫn đến tai biến và tử vong của sản phụ.

Trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (39 tuổi) tử vong ngày 30/4, bác sĩ điều trị đã không theo dõi tình trạng diễn biến của sản phụ trong suốt thời gian khá dài: nhập viện lúc 8 giờ ngày 21/4, nhưng mãi đến 20 giờ ngày 22/4 bác sĩ trực chỉ khám và theo dõi một lần.

Điều đáng nói chính tinh thần thiếu trách nhiệm nên các bác sĩ đã không phát hiện các dấu hiệu suy thai của sản phụ như biểu hiện tim thai chỉ còn 110-120 lần/phút, huyết áp sản phụ tăng 160/90 mmHg, tim thai khó nghe, sản phụ đau vết mổ cũ, nước tiểu qua sonde có màu đỏ (có dấu hiệu vỡ tử cung, có tổn thương bàng quang), nhưng các bác sĩ vẫn ghi nhận “nứt vết mổ cũ”.

Đến khi được mổ lúc 5 giờ 50 ngày 23/4 là chậm so với diễn biến và tình trạng của sản phụ. Điều đáng nói là hồ sơ bệnh án của sản phụ Hạnh có dấu hiệu sửa chữa. vấn đề này Sở Y tế đã chỉ đạo lãnh đạo bệnh viện làm rõ.

Cũng theo Sở Y tế Quảng Ngãi, trên cơ sở kết luận của Hội đồng chuyên môn, Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộ Đức tiến hành kiểm điểm, thành lập hội đồng kỷ luật xem xét, đề xuất hình thức kỷ luật những cá nhân, tập thể vi phạm quy chế chuyên môn, tinh thần thái độ phục vụ. Đồng thời tiến hành xem xét xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tập thể liên quan.

Minh Bảo