Chỉ trong vòng 1 tháng, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Mã: NVL) gửi 3 đơn giải trình về việc cổ phiếu giảm liên tiếp.

NVL cho rằng thị giá cổ phiếu giảm thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô.

Tính từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu NVL đã giảm hơn 70% thị giá, tương đương vốn hóa bốc hơi gần 100.000 tỷ đồng. Nếu tính ở mức đỉnh hồi tháng 6/2021, cổ phiếu ở thời điểm đó đạt mức gần 94.000 đồng/cp vốn hóa của NVL bốc hơi 140.000 tỷ đồng.

Hiện, hai vợ chồng cựụ chủ tịch Bùi Thành Nhơn đang sở hữu hơn 180 triệu cổ phiếu NVL, theo chuỗi dài giảm giá vừa qua đã thổi bay tài sản của hai vợ chồng ông Nhơn ở NVL là 7.559 tỷ đồng. Với mức giảm này, ông Nhơn không còn trong danh sách tỷ phú USD của Forbes và cũng không còn trong danh sách 20 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Cổ phiếu lao dốc mạnh, vốn hóa doanh nghiệp mất hàng tỷ USD. (Ảnh: Hoàng Hà)

Tương tự, trong tháng 11, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cũng phải 3 lần giải trình về việc cổ phiếu PDR  giảm sàn liên tiếp.

Trong 3 lần giải trình, PDR cho rằng do yếu tố tâm lý thận trọng trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực của nền kinh tế, đồng thời tác động bởi chính sách kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, PDR cho rằng, nhà đầu tư cổ phiếu PDR có vay ký quỹ bị ép bán chủ động từ những Công ty Chứng khoán.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PDR ghi nhận mức giảm liên tiếp trong hơn 2 tháng qua, đặc biệt từ đầu tháng 11 đến nay, cổ phiếu này chưa một lần tăng giá. Như vậy, tính từ đầu tháng 11, cổ phiếu PDR đã giảm 60%, từ mức 34.900 đồng/cp xuống 13.800 trong phiên ngày 25/11, tương đương vốn hóa của PDR bốc hơi hơn 14.000 tỷ đồng.

Nếu tính từ mức đỉnh hồi đầu tháng 10/2021, tài sản của PDR bốc hơi gần 40.000 tỷ đồng.

Thông tin từ HoSE cho thấy, hôm 16 và 17/11, Chứng khoán MB đã bán giải chấp tương ứng hơn 1,6 triệu và gần 2,6 triệu cổ phiếu PDR của ông Đạt. Với việc PDR giảm mạnh, Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt ghi nhận khối tài sản giảm mạnh trên 20.000 tỷ đồng trong vòng một năm qua.

Một đại gia bất động sản khác cũng khó khăn tương tự. Hồi cuối tháng 10, theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Chủ tịch DIC Corp (DIG) Nguyễn Thiện Tuấn và nhiều cổ đông lớn, người nội bộ và người có liên quan của DIG cũng bị bán giải chấp, tổng cộng lên tới 8,6 triệu cổ phiếu DIG. Trong đó, ông Tuấn bị bán giải chấp hơn 3 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu xuống còn gần 58,5 triệu đơn vị, tương đương 9,59% cổ phần.

Từ đầu tháng 11, cổ phiếu DIG nhiều phiên liên tiếp giảm sàn, từ mức 18.900 đồng/cp xuống còn 12.150 đồng/cp vào phiên ngày 24/11. Như vậy, tính từ đầu tháng 11 vốn hóa của DIG đã bốc hơi  hơn 4.000 tỷ đồng. Nếu tính thị giá cổ phiếu DIG ở mức đỉnh hồi đầu năm, vốn hóa của DIG bốc hơi gần 55.000 tỷ đồng.

Tiếp đến cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền cũng giảm mạnh. Nếu tính thị giá ở mức đỉnh từ hồi tháng 4, cổ phiếu KDH đã mất thị giá hơn 56%, tương đương vốn hóa của KDH bốc hơi gần 20.000 tỷ đồng.