Đại diện một nhóm tình nguyện viên chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 (TP.HCM) phản ánh có sự chậm trễ và không rõ ràng trong chi trả hỗ trợ.
Đây là những y bác sĩ đã đăng ký với Sở Y tế TP.HCM tham gia chống dịch theo lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Nhóm được điều về Bệnh viện Dã chiến số 6, có đơn vị chủ quản là Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM.
Nhóm này bắt đầu công việc từ đầu tháng 8/2021 với nhiệm vụ thăm khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Tình nguyện viên ký hợp đồng một tháng với bệnh viện. Sau thời gian đó, ai có nguyện vọng ở lại sẽ ký tiếp hợp đồng mới.
"Vẫn còn nhiều bạn ở lại chiến đấu", chị A. - đại diện nhóm tình nguyện này cho biết.
Đoàn công tác Bộ Y tế trong một lần làm việc với Bệnh viện Dã chiến số 6 hồi tháng 8/2021. Ảnh: MOH. |
Theo chị A., hầu hết các thành viên đều tham gia chống dịch và ký hợp đồng từ 3 tháng (tháng 8-9-10/2021). “Tuy nhiên đến nay, chúng tôi chưa được thanh toán tiền hỗ trợ chống dịch như hợp đồng đã ký theo công văn 6041 Bộ Y tế ngày 7/8/2021”.
Chị đã liên hệ với Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM nhiều lần về việc chậm chi trả hỗ trợ chống dịch.
Tháng 11/2021, Bệnh viện Phục hồi chức năng Điều trị bệnh nghề nghiệp yêu cầu nhóm tình nguyện bổ sung Công văn điều đi có đóng mộc từ Sở Y tế TP.HCM. Theo chị A., khi liên hệ với người phụ trách hồ sơ tại Sở Y tế, người này cho biết không cần công văn trên.
Lần thứ 2 liên hệ với Bệnh viện, nhóm chị A. nhận được câu trả lời: “Hồ sơ điều chỉnh đã làm rồi nhưng đang ở kho bạc, cho họ kiểm tra xong mới cho đi”. Lý do vì đoàn đi không có quyết định (từ Sở Y tế) nên làm sau cùng.
Ngày 13/12/2021, nhóm tình nguyện được nhận được tiền 1 tháng hỗ trợ. Tuy nhiên, có người nhận chi phí của tháng 8, có người nhận tháng 9, không đầy đủ thời gian thực tế tham gia chống dịch.
Ngày 11/1/2022, nhóm tiếp tục liên hệ Bệnh viện và nhận câu trả lời: "Đã chi hết, bạn nào thiếu sẽ lập danh sách để kiểm tra".
Điều khiến chị A. và các tình nguyện viên băn khoăn, là Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp cho rằng Bệnh viện Dã chiến số 6 gửi hợp đồng không đầy đủ. Trong khi đó, Bệnh viện Dã chiến số 6 trả lời với tình nguyện viên "đã nộp đủ nhưng giờ báo thiếu".
Sau khi nộp bổ sung bản sao hợp đồng, nhóm được biết sẽ mất khoảng 2 tuần để hoàn thành thủ tục chi trả. "Tất cả các đoàn tại Bệnh viện Dã chiến số 6 đã được chi trả hỗ trợ đến tháng 11/2021. Riêng nhóm chúng tôi cứ bị xoay vòng và đùn đẩy trách nhiệm. Đến khi hỏi thì nói thất lạc hợp đồng", đại diện nhóm tình nguyện viên bức xúc.
Nhận thấy có sự thiếu công bằng và rõ ràng trong chi trả tiền hỗ trợ, nhóm tình nguyện viên đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Ngoài ra, nhóm cũng đặt vấn đề trách nhiệm của Bệnh viện khi làm mất hồ sơ, dẫn đến việc chậm trả tiền.
Trong đợt dịch thứ 4, TP.HCM đã nhận sự hỗ trợ nhân lực lớn nhất từ trước đến nay. |
Ngày 16/1, trao đổi với phóng viên VietNamNet, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp cho rằng, lá đơn phản ánh vụ việc trên chỉ có một người đứng đơn, mạo danh sự thật.
Khi được hỏi về việc chậm trễ chi trả chế độ cho các tình nguyện viên, bác sĩ Hoàng cho biết, bệnh viện vẫn đang chi trả theo đúng thủ tục, quy trình, chi trả hợp lý.
“Hiện nay, khi một số hợp đồng lao động Bệnh viện dã chiến số 6 ký từng tháng, các bạn quên ký hoặc ký sót thông tin nên cần phải bổ túc hồ sơ cho phù hợp”, bác sĩ Hoàng phản hồi.
Chia sẻ về vấn đề trên, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn y tế Việt Nam cho biết, các nhân viên y tế tham gia chống dịch nếu chưa được chi trả kịp thời và phù hợp, có thể làm đơn kiến nghị gửi Liên đoàn Lao động và Tổng hội Y học Việt Nam.
“Khi có văn bản trình bày cụ thể, Công đoàn y tế sẽ có cơ sở để vào cuộc”, bà Bình cho hay.
Đây không phải trường hợp đầu tiên phản ánh về việc chậm chi trả hỗ trợ cho các tình nguyện viên chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Tình nguyện viên chống dịch tại quận 8 đang mòn mỏi ngóng hỗ trợ. |
Ngày 7/1, VietNamNet đã đăng tải bài viết “Tình nguyện viên chống dịch Covid-19 mòn mỏi ngóng hỗ trợ”, phản ánh nhiều sinh viên y khoa chống dịch tại quận 8 từ tháng 6/2021, chưa nhận được chi trả theo quy định của nhà nước.
Điều gây bức xúc với các sinh viên, là nhiều lần liên hệ, Trung tâm Y tế quận 8 đều trả lời: “Đã chuyển hồ sơ đi, chờ chi trả”. Họ đã chờ như thế hơn 3 tháng qua, từ tháng 10/2021.
Đại diện Trung tâm Y tế quận 8, Trưởng phòng Y tế quận 8 cũng cho rằng, đang làm theo đúng quy trình và sẽ giải quyết trong “tuần tới”. Thế nhưng, sau 10 ngày, thông tin về các khoản chi trả này với nhóm sinh viên trên vẫn “bặt vô âm tín”, tình nguyện viên chống dịch cũng tắt hy vọng.
“Nếu nhà nước không có chế độ chi trả, bọn em cũng vui lòng và không đòi hỏi. Nhưng các quận khác đều hỗ trợ cho bạn bè em cùng trong đợt chống dịch Covid-19 đó. Nhìn sang mình thấy không có gì cả”, N. - nữ sinh viên y khoa từng xông xáo ở mọi điểm nóng của quận 8 trầm buồn.
N. và các tình nguyện viên chống dịch trăn trở, không chỉ là chi phí, mà là sự công bằng. Nhiệt huyết ngày nào nơi tâm dịch khốc liệt của thành phố, nay đổi lại là sự trì hoãn của người có trách nhiệm.
Trước đó, N. và một số sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tình nguyện tham gia chống Covid-19, được ký hợp đồng với Trung tâm Y tế quận 8. Các bạn đã lấy mẫu, vận chuyển mẫu, nhập liệu từ khu cách ly đến cộng đồng, tiếp xúc từ F1 cho đến F0. Hợp đồng ký từ ngày 31/5/2021 và kết thúc tùy theo tình hình thực tế.
Đến nay, N. và một số tình nguyện viên vẫn chưa nhận được bất cứ chi trả nào như quy định của Nhà nước và thỏa thuận trên hợp đồng.
Linh An
Tình nguyện viên chống dịch Covid-19 mòn mỏi ngóng hỗ trợ
Trong đỉnh dịch tại TP.HCM, sinh viên, lao động mọi ngành nghề đều chung tay góp sức chống dịch bất kể an nguy. Sau nửa năm, nhiều tình nguyện viên vẫn đang mòn mỏi chờ hỗ trợ.