Theo Bộ Công an, trước đòi hỏi khách quan cần tăng cường công tác PCCC & CNCH bảo vệ sản xuất và bình yên cuộc sống của người dân, Đảng, Quốc hội, Nhà nước đã có những chỉ đạo về việc phải luật hóa các quy định về PCCC & CNCH đáp ứng yêu cầu thực tế đề ra.
Ngoài ra, Văn kiện Đại hội 13 của Đảng xác định, tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người.
Cũng theo Bộ Công an, việc quy định nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trong văn bản luật là để bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Trên thực tế, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH vẫn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới quản lý nhà nước về cứu nạn, cứu hộ và là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, thường trực trong công tác này.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát PCCC & CNCH có đầy đủ các điều kiện, khả năng về chuyên môn, lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hoạt động PCCC được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy; hoạt động cứu nạn, cứu hộ mới được quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy nên chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong quy định của hệ thống pháp luật, không phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và không bảo đảm cơ sở pháp lý để lực lượng cảnh sát PCCC & CNCH thực hiện nhiệm vụ.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Đức, Pháp, Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giao nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng PCCC & CNCH chuyên trách làm nòng cốt đảm nhiệm.
Bên cạnh đó, tham gia phối hợp còn có các lực lượng khác ở cơ sở đã đem lại hiệu quả cao trong công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các tình huống, sự cố.
"Chính vì vậy, việc ban hành Luật PCCC & CNCH sẽ khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan nêu trên", đại diện Bộ Công an nhận định.
Mục đích xây dựng Luật PCCC & CNCH
Theo cơ quan soạn thảo, có 3 mục đích khi xây dựng Luật PCCC & CNCH. Thứ nhất là thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.
Thứ 2, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.
Thứ 3, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong hoạt động PCCC & CNCH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Ngoài ra, cũng có 3 quan điểm khi xây dựng Luật PCCC & CNCH. Một là tuân thủ Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; bảo đảm các quy định của luật được cụ thể và có tính khả thi.
Hai là tổng kết đầy đủ, toàn diện thực tiễn thi hành pháp luật về PCCC & CNCH; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập và bổ sung quy định mới để nâng cao hiệu quả công tác PCCC & CNCH.
Ba là tham khảo có chọn lọc pháp luật của một số nước về PCCC & CNCH để vận dụng quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.