Hãng xe công nghệ Uber vừa tuyên bố cấp chế độ người lao động cho các tài xế ở Anh, tuân thủ theo phán quyết của Tòa án Tối cao nước này. Như vậy tài xế công nghệ Anh sẽ được trả lương tối thiểu, được thêm ngày nghỉ có lương, và có chế độ lương hưu.

Thông tin trên được coi là chiến thắng của giới tài xế công nghệ, mặc dù vậy Uber thực ra chưa bị chệch hướng so với chính sách chung toàn cầu. Chế độ “người lao động” ở đây vẫn chưa phải “nhân viên”, những người có thêm tiền nghỉ ốm và chế độ nghỉ chăm con nhỏ.

Ngay cả trong chế độ lương tối thiểu, các tài xế Anh cũng chưa hài lòng. Họ mong muốn nhận lương tối thiểu trong suốt thời gian bật ứng dụng, nhưng Uber hiện chỉ chấp nhận trả lương tối thiểu trong thời gian thực hiện cuốc xe. Thời gian chờ khách sẽ không được tính.

Nhìn chung, Uber khẳng định rằng mô hình của hãng “vừa mang lại quyền lợi cho người lao động vừa giúp các tài xế duy trì khả năng làm việc linh hoạt, bất kỳ khi nào và ở đâu họ sẵn sàng”. Điều này khá giống với kết quả cuộc chiến pháp lý ở bang California (Mỹ) hồi năm ngoái.

Tháng 11/2020, Uber vận động thành công để Điều luật sửa đổi số 22 được bỏ phiếu thông qua, qua đó miễn giảm cho các hãng xe công nghệ không phải cấp toàn bộ chế độ nhân viên cho tài xế. Tài xế công nghệ Mỹ vẫn sẽ được nhận lương tối thiểu, trợ cấp y tế, và bảo hiểm tai nạn.

{keywords}
Uber khẳng định rằng mô hình của hãng vừa mang lại quyền lợi cho người lao động, vừa giúp các tài xế duy trì khả năng làm việc linh hoạt.

Tài xế công nghệ chọn chế độ tự do

Cũng trong năm ngoái, tòa án tối cao ở Pháp tuyên bố công nhận quyền lợi nhân viên cho một tài xế Uber. Trong khi đó các nhà lập pháp Châu Âu đang xây dựng luật mới vì quyền lợi của tài xế công nghệ. Tuy nhiên, cơ chế đãi ngộ chung dành cho giới tài xế công nghệ dường như đã định hình.

Trên tờ Evening Standard, CEO Dara Khosrowshahi của Uber khẳng định: “Chúng tôi kêu gọi cập nhật khung pháp lý ở Mỹ và Châu Âu, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động tự do nhưng đồng thời không làm mất đi sự linh hoạt tạo ra tính ưu việt của công việc này”.

Như ở Canada hiện nay, Uber đang vận động chính quyền nước này đi theo hướng tiếp cận của hãng, đó là tạo ra trạng thái trung gian giữa “nhân viên chính thức” và “người lao động tự do” cho các tài xế công nghệ.

Tòa án tỉnh Ontario (Canada) từng quyết định công nhận người vận chuyển đồ ăn của nền tảng Foodora là “nhân viên làm việc theo hợp đồng”. Mặc dù vậy theo khảo sát 670 tài xế công nghệ Canada, 85% trong số họ không thể tiếp tục làm việc nếu mất sự linh hoạt.

Hiện chỉ có khoảng 15-20% tài xế được hỏi lựa chọn chế độ làm việc truyền thống. Thực tế Uber Canada đang sử dụng chiến thuật vận động tương tự ở Mỹ, hứa hẹn nhiều chế độ bảo hiểm xã hội và chăm sóc y tế cho tài xế làm tự do.

Dù thế nào nếu nhìn theo một số khía cạnh, chính sách của Uber còn được xem là hình mẫu nâng cao tiêu chuẩn đãi ngộ cho người lao động thời đại nền tảng số. Giám đốc Uber khu vực Bắc Âu và Đông Âu, ông Jamie Heywood bình luận: “Hy vọng các tổ chức khác sẽ cùng chúng tôi nâng cao quyền lợi cho người lao động”.

Anh Hào (Theo Reuters, Global News)

Tài xế công nghệ ở Mỹ được coi là nhân viên chính thức?

Tài xế công nghệ ở Mỹ được coi là nhân viên chính thức?

Thẩm phán Ethan Schulman chia sẻ rằng, xã hội sẽ bị tổn hại nếu tài xế công nghệ không nhận được các quyền lợi như lương tối thiểu, trợ cấp nghỉ ốm hoặc chăm sóc người thân, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm an toàn lao động.