“Có được một "cuốc" khách đã là chuyện khó nhưng có rồi cũng không biết nên vui hay buồn…” - anh Nguyễn Văn T thở dài.
Sau nhiều lần hứa hẹn, cuối cùng tôi cũng sắp xếp được một cuộc hẹn với anh Nguyễn Văn T (quê Bắc Giang), người đàn ông làm nghề xe ôm tại bến xe Mỹ Đình gần 6 năm nay.
Ấn tượng đầu tiên về người tài xế này là dáng người nhỏ thó, áo quần đúng mốt song những nét khắc khổ trên khuôn mặt cũng không thể che đi. Mới 32 tuổi nhưng trông anh già hơn nhiều với gương mặt sạm đen vì sương gió.
Dù đã chọn nghề này như cái nghiệp của bản thân nhưng khi nhắc đến, anh không khỏi than thở nghề xe ôm vốn đã cơ cực nhiều lần còn bị quỵt tiền, khách mắng sa sả vào mặt. Hơn 6 năm cùng chiếc xe Dream “đóng quân” tại bến xe Mỹ Đình, anh “nằm lòng” hầu hết những chiêu lừa đi xe ôm rồi cướp hoặc quỵt tiền.
Ảnh internet. |
Anh T cay đắng kể: “Một buổi sáng tháng tư nắng như đổ lửa, một người đàn ông xách túi đồ đến thuê xe chở về khu tập thể Thành Công (Ba Đình) với giá 60 ngàn đồng. Đang ủ rũ vì cả ngày không có khách nào, tôi gật đầu đồng ý. Đến nơi, khách bảo trông hộ túi đồ để vào nhà lấy tiền trả.
Tôi không chút nghi ngờ, nghĩ thầm nếu anh ta có "bùng" thì mình vẫn còn cái túi ở đây. Yên tâm đứng chờ, nhưng một tiếng sau tôi vẫn không thấy người khách ấy trở ra. Mở túi đồ ra xem, tôi như chết lặng vì bên trong là vài miếng xốp và ba hòn đá. Bị lừa, tôi uất nghẹn nơi cuống họng nhưng biết kêu ai?”.
Anh kể tiếp: "Một lần khác, khi đang chở khách về Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) thì khách yêu cầu dừng vài phút rồi chạy vào trong một chỗ khuất. Cứ nghĩ vị khách cần “giải quyết nỗi buồn” nên tôi đứng chờ, 30 phút trôi qua vẫn không thấy anh ta quay lại. Tò mò, tôi tiến vào tìm thì mới tá hỏa người này đang cầm bơm tiêm chích vào tay mình. Thấy tôi ngây người đứng nhìn, anh ta cầm luôn chiếc kim tiêm còn dính máu quơ quơ ra hiệu bắt tôi phải chở.
Chân tôi lúc đó như khuỵ xuống, toàn thân run lẩy bẩy nhưng vì không còn cách nào khác nên đành phải làm theo. Đi ngang qua một trạm xăng, tôi giả vờ vào đổ rồi nhanh ga phóng thẳng chứ tiếc tiền thì không biết sẽ gặp phải chuyện gì rồi".
Còn với bác Lê Hữu M, thâm niên hơn 8 năm chạy xe ôm, cũng gặp không ít lần “lên thác xuống ghềnh” với các vị khách đặc biệt.
Bác kể: "Hôm đó tranh thủ lúc 'đồng nghiệp' ăn trưa, tôi đứng đón khách ở bến xe Mỹ Đình thì một người đàn ông trung tuổi xuống xe khách hỏi giá cả về Quan Nhân (Cầu Giấy). Tôi báo giá 6.000 đồng/km, tính theo đồng hồ, ông ta đồng ý đi và không mặc cả gì.
Trên đường đi cả 2 cũng có trò chuyện qua lại vui vẻ. Đi đến ngõ 28 Quan Nhân thì ông ta ra hiệu dừng lại vì đã đến nơi. Nhưng vì không mang theo tiền mặt nên khách bảo tôi chờ một tí để vào lấy tiền vì nhà ngay đầu ngõ. Tôi sốt ruột chờ nửa tiếng, gọi mấy chục cuộc ông ta không nghe nên mới bực mình đi vào ngõ. Không ngờ đấy là ngõ thông rồi chia ra nhiều ngõ ngách, hẻm".
Đang kể chuyện, thấy có chiếc xe khách chạy vào bến, bác M dập vội điếu thuốc như cố xua tan hết những nỗi cay cực của nghề để leo vội lên xe bắt đầu hành trình mới.
Bác vẫn kịp ngoái lại nói với tôi: “Làm nghề này tài xế lúc nào đi cũng sợ, hết lo giữ mạng lại sợ quỵt tiền. Nếu không vững tinh thần, không vì miếng cơm manh áo thì anh em chúng tôi bỏ nghề hết từ lâu rồi”.
Minh Anh - Nguyễn Chắt