Vào thập niên 80-90 của thế kỷ 20, có thể nói rằng đây là thời hoàng kim của ngành công nghiệp game Nhật Bản với sự thống trị của hai hãng lớn là Nintendo và SEGA. Cũng trong khoảng thời gian này, vô vàn tựa game với các thể loại, lối chơi đa dạng được ra đời mà trong số đó, có rất nhiều trò chơi đã để lại cho game thủ những ấn tượng khó quên.
Trước đây, chúng tôi đã có khá nhiều bài viết về những tựa game cổ, những tựa game mới chỉ cần nhắc đến tên thôi là bất cứ ai cũng đều biết tới, khiến cho dòng ký ức tuổi thơ như ùa về. Tuy nhiên, dám chắc rằng đại đa số game thủ Việt, kể cả thế hệ 8x-9x sẽ cảm thấy hoàn toàn lạ lẫm với tựa game chúng tôi đề cập tới trong bài viết này - Takeshi no Chōsenjō.
Takeshi no Chōsenjō có tên tiếng Nhật là たけしの挑戦状,tên tiếng Anh là Takeshi’s Letter of Challenge. Sở dĩ, chúng tôi dám chắc rằng nhiều game thủ Việt không biết đến Takeshi no Chōsenjō là bởi tựa game này được hãng phát triển Taito bán ra thị trường Nhật Bản trong một ngày duy nhất là 10/12/1986. Không chỉ vậy, Takeshi no Chōsenjō đặc biệt ở chỗ đây không phải là một tựa game thông thường dành cho những game thủ thông thường.
Takeshi no Chōsenjō là trò chơi nhập vai phiêu lưu hành động được phát triển bởi diễn viên kiêm đạo diễn phim hài nổi tiếng Nhật Bản – Takeshi Kitano. Không những về lĩnh vực phim ảnh, Takeshi Kitano còn nổi tiếng hơn hết với vai trò một người có đóng góp lớn trong việc phát triển các trò chơi. Ngay từ trên vỏ bìa trò chơi Takeshi no Chōsenjō, chúng ta có thể thấy hình ảnh của Takeshi Kitano và thấy được sự hài hước của ông qua dòng chữ cảnh báo: “Không nên cố gắng chơi game với kỹ năng thông thường”. Trong quá trình chơi, Takeshi no Chōsenjō sẽ “troll” người chơi bằng cách vạch ra những nhiệm vụ gần như không thể hoàn thành.
Tham gia vào tựa game này, người chơi sẽ phải điều khiển nhân vật Takeshi với những nhiệm vụ được đặt ra đòi hỏi game thủ phải hoàn thành. Takeshi Kitano đã đem tới nhiều ý tưởng độc đáo và khá “troll” vào trò chơi này. Trong số đó, có thể kể đến những nhiệm vụ như buộc người chơi phải lái máy bay đâm thẳng vào núi hoặc mặt đất, hay yêu cầu người chơi giữ một nút trong 4 giờ đồng hồ để hoàn thành, bắt người chơi kết nối mic như một thiết bị điều khiển thứ hai và hát đúng thời điểm,…
Không những vậy, đặc điểm khiến các game thủ đã từng chơi Takeshi no Chōsenjō “ức chế” nhất chính là việc trò chơi này không có save game, buộc người chơi phải bắt đầu lại từ đầu khi nhân vật bỏ mạng. Tính đến nay, chưa một game thủ nào có thể "phá đảo" Takeshi no Chōsenjō mà không sử dụng hack speed.
Theo Trí Thức Trẻ