Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, là địa bàn miền núi với hơn 44% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Sán Dìu. Đặc thù địa lý với nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn và tập quán sinh hoạt truyền thống khiến cho việc tiếp cận pháp luật của bà con gặp nhiều trở ngại. Nhiều người dân có nhận thức pháp luật còn hạn chế, dẫn đến nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhận thức rõ thách thức này, cấp ủy, chính quyền huyện Tam Đảo đã xác định việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Huyện đã triển khai nhiều giải pháp đa dạng, sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hình thức "đi từng ngõ, gõ từng nhà" được lực lượng công an, cán bộ tư pháp và hòa giải viên áp dụng hiệu quả. Đặc biệt, Công an xã Bồ Lý đã cử cán bộ xuống thôn Đồng Cà - nơi 99% dân số là người Sán Dìu - để phổ biến pháp luật, trực tiếp giải đáp thắc mắc của người dân. Cách làm này giúp bà con hiểu rõ và tuân thủ pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm.
Đội ngũ báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) cơ sở phát huy Huyện Tam Đảo có 20 báo cáo viên và 174 tuyên truyền viên. Đội ngũ này thường xuyên tiếp cận các thôn, bản để giải thích các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới được người dân đồng tình hưởng ứng.
Công tác Tuyên truyền qua công nghệ số được đẩy mạnh. Trước đây, việc tuyên truyền phụ thuộc hoàn toàn vào các buổi họp trực tiếp, nhưng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hình thức này đã được đổi mới. Lực lượng công an, Phòng Tư pháp và các sở, ngành liên quan đã sử dụng các kênh Zalo, Facebook để cung cấp thông tin về pháp luật, cảnh báo lừa đảo trực tuyến, giải thích các chính sách mới. Chỉ sau một, hai lần hướng dẫn trực tiếp, bà con, đặc biệt là đồng bào DTTS có thể dễ dàng tự truy cập các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận thông tin. Bà Lưu Thị Lừu, dân tộc Sán Dìu, người dân thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý chia sẻ: “Trước đây, nếu có vấn đề phát sinh, người dân phải trực tiếp đến xã để thông báo. Nay, chỉ cần nhắn tin qua Zalo, bà con có thể liên lạc ngay với công an xã hoặc các cơ quan chức năng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, đồng thời giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, kịp thời.”
Đại úy Đàm Tuấn Việt, Phó Trưởng Công an xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo cho biết: “ Chúng tôi cũng xuống bà con tuyên truyền, vận động bà con là quan tâm và theo dõi những cái trang zalo, facebook của lực lượng công an, đặc biệt là công an xã Bồ Lý. Qua đó, bà con có thể nhanh chóng nắm bắt các thông tin mới. Nền tảng mạng xã hội là cầu nối để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân”.
Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền tại huyện Tảm Đảo còn được triển khai thông qua các ấn phẩm và các phương tiện truyền thông. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tâm Đảo, Vĩnh Phúc, trong năm 2023-2024, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu Ủy ban huyện in và phát 10.000 tờ gấp pháp luật về Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2024 cho người dân. Hình thức này giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật cơ bản, ngắn gọn, dễ hiểu.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tam Đảo đã đạt được những kết quả tích cực nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương. Với việc kết hợp linh hoạt giữa các phương thức tuyên truyền miệng, dân vận trực tiếp và ứng dụng công nghệ số, nhận thức của người dân về pháp luật được nâng cao. Hình thức tuyên truyền này không chỉ tăng cường an ninh trật tự, mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tam Đảo đã và đang trở thành điểm sáng trong việc đổi mới, sáng tạo các hình thức PBGDPL, góp phần xây dựng một huyện miền núi ổn định, phát triển bền vững.