- Ngày 17/6, Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu Bệnh viện Ung bướu Nghệ An dừng kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng vì gây hiểu lầm cho người dân.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, sau khi Bệnh viện Ung bướu Nghệ An công bố áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc để điều trị thành công ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho một nữ bệnh nhân tại huyện Yên Thành, Nghệ An đã có rất nhiều người bệnh muốn chuyển BHYT về Nghệ An để chữa trị.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có cuộc họp với Sở Y tế Nghệ An.
Theo đó, kết luận việc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An công bố ghép tế bào gốc chữa khỏi ung thư vú và ung thư buồng trứng là sai về bản chất, gây hiểu lầm cho người dân. Nếu có, bệnh viện chỉ có thể công bố khả năng hỗ trợ của ghép tế bào gốc, chứ không thể khẳng định ghép tế bào gốc điều trị khỏi 2 loại ung thư trên.
Cuối năm 2014, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An công bố lần đầu tiên ghép tế bào gốc điều trị ung thư vú thành công cho bệnh nhân Đinh Thị Liễu |
Trên thực tế, bệnh viện chưa có đánh giá hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư sau ghép tế bào gốc mà mới chỉ theo dõi quá trình sinh tủy.
Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tạm dừng ngay phương pháp này. Bệnh viện muốn áp dụng phải xây dựng lại đề án trình Bộ Y tế xem xét.
Theo ông Quang, Bộ Y tế đã cấp phép ghép tế bào gốc nhưng để điều trị suy tủy, giúp bệnh nhân nâng cao thể lực, kéo dài thời gian sống chứ chưa có căn cứ chứng minh ghép tế bào gốc chữa khỏi được ung thư vú, ung thư buồng trứng.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế mới cho phép ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu, ghép tế bào gốc trung mô điều trị viêm khớp, thí điểm ghép tế bào gốc điều trị tim mạch... Sắp tới sẽ cho phép ghép tế bào gốc điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
"Với các bệnh nhân ung thư vú, nếu giai đoạn đầu thì chỉ cần phẫu thuật, kết hợp điều trị hóa chất có thể kéo dài sự sống. Nếu người bệnh cứ cố chờ để ghép tế bào gốc có thể làm chậm trễ điều trị", ông Quang nhấn mạnh.
T.Hạnh