Việt Nam khan hiếm nhân lực chất lượng cao
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên các lĩnh vực như: Kỹ thuật số, công nghệ sinh học, Robot thế hệ mới, các vật liệu mới… là nền tảng chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình kinh tế dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức. Nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất, là “chìa khoá” quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia.
Theo thống kê của Bộ KH&CN, hiện cả nước có 167.746 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, trong đó có nhiều nhà khoa học uy tín, được thế giới công nhận. Tuy nhiên, khi so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam vẫn thuộc nhóm cuối ASEAN. Việt Nam thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia và lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt khối ngành khoa học và công nghệ.
Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: chính sách, nguồn lực, cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi vẫn là nhận thức người lao động. Trong nền kinh tế tri thức, nhân lực cần liên tục trau dồi, cập nhật kiến thức mới và kỹ năng quản trị cơ bản. Đặc biệt là các vị trí quản lý hay những nhân sự đang công tác trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, bên cạnh kinh nghiệm làm việc thực tế thì yêu cầu học sau đại học dường như là bắt buộc.
Phenikaa - trường đại học đổi mới sáng tạo
Được hậu thuẫn từ Tập đoàn Phenikaa, trường Đại học Phenikaa có nhiều thế mạnh về cơ sở vật chất với hệ thống hơn 200 giảng đường đa phương tiện, gần 100 phòng thực hành, phòng thí nghiệm hiện đại…
Năm 2023, khoa học và công nghệ tiếp tục là nhóm ngành chiếm ưu thế về chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Phenikaa (chiếm 47,9% đối với hệ đào tạo thạc sĩ và 100% đối với hệ đào tạo tiến sĩ).
TS. Hà Minh Hoàng - Phó Trưởng khoa Khoa Khoa học máy tính cho biết: “Học viên sẽ được thực hiện các dự án với hệ thống tính toán hiệu năng cao HPC. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để phục vụ quá trình nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, Vận trù học, Xử lý dữ liệu lớn…”.
Đại diện trường Phenikaa cho biết, nhà trường có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, trong đó 60% đạt trình độ Tiến sĩ, 20% giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư...
“Với 10 đội nghiên cứu mạnh và 13 nhóm nghiên cứu tiềm năng, đây là môi trường tốt để học viên được áp dụng kiến thức chuyên sâu vào khoa học liên ngành, mở rộng kết nối với các chuyên gia. Giai đoạn 2018-2023, Trường Đại học Phenikaa đã có gần 1500 công bố quốc tế trong danh mục tạp chí khoa học uy tín ISI/ SCOPUS, vinh dự được vào Top 10 các viện, trường đại học có số lượng bằng sáng chế và giải pháp hữu ích nhiều nhất Việt Nam năm 2021”, đại diện Trường Phenikaa chia sẻ.
Không chỉ là một trong số ít các trường đại học tư thục đào tạo chuyên sâu nhóm ngành Khoa học và Công nghệ, Phenikaa còn công bố nhiều gói học bổng đặc biệt thu hút nhân tài. Trường miễn phí 100% học phí dành cho 4 chuyên ngành Tiến sĩ, bao gồm: Kỹ thuật cơ khí động lực, Khoa học vật liệu, Kỹ thuật hoá học, Vật lý lý thuyết và vật lý toán. Trong thời gian là nghiên cứu sinh, học viên có cơ hội nhận học bổng trị giá 282.000.000 đồng (khi làm việc toàn thời gian) hoặc mức 175 triệu đồng (khi làm việc tối thiểu 50% thời gian) với nhóm nghiên cứu của cán bộ hướng dẫn thuộc Trường Đại học Phenikaa.
Đối với chương trình thạc sĩ, có 3 chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí động lực, Khoa học vật liệu, Kỹ thuật hoá học được miễn học phí hoàn toàn trong thời gian học chính khoá, chuyên ngành Khoa học máy tính được giảm học phí từ 40 - 100%, chuyên ngành Điều dưỡng được giảm 50% học phí tương ứng với 4 suất học bổng. Đặc biệt, học viên còn có cơ hội trở thành Trợ lý nghiên cứu với mức học bổng 96 triệu đồng/năm.
Theo Phenikaa, chính sách này nhằm khuyến khích học viên dành sự tập trung tối đa cho sự nghiệp nghiên cứu, đóng góp nhiều sáng kiến mới có giá trị cho nền khoa học nước nhà.
Đăng ký hồ sơ và lịch phỏng vấn tại đây https://saudaihoc.phenikaa-uni.edu.vn/
Lệ Thanh