Vừa qua, vụ việc xảy ra tại trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) một lần nữa cảnh báo tầm quan trọng của việc giáo dục văn hoá ứng xử giữa giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Cụ thể, vào tiết dạy môn Nghệ thuật tại lớp 7C, theo thông tin từ cô P.T.H (giáo viên của trường THCS Văn Phú), khi đang viết trên bảng, một số học sinh xóa, không cho cô dạy, có em vứt khăn lau bảng vào mặt… Sau khi hết giờ, học sinh chốt cửa, nhốt cô H. trong lớp. Một nam sinh nhảy lên đạp vào bụng cô, một số em khác liên tiếp đấm vào người.
Qua xác minh của cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu là từ khoảng tháng 9, cô H. mâu thuẫn với học sinh lớp 6A và có lời nói tục tĩu, không đúng chuẩn mực đạo đức của người giáo viên.
Ngày 21/11, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú ban hành quyết định về việc kỷ luật viên chức đối với cô H. bằng hình thức cảnh cáo với lý do cô vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh; ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên chưa đảm bảo tính sư phạm, đúng mực.
Với vụ việc gần đây, Ban giám hiệu Trường THCS Văn Phú đã họp kiểm điểm giáo viên và các học sinh có mặt trong clip vì hành vi thiếu chuẩn mực.
Câu chuyện đau lòng trên có lẽ là sự việc hi hữu nhưng đã phản ánh thực trạng đáng báo động đang xảy ra trong các trường học. Phải chăng, ở một số cơ sở giáo dục, mối quan hệ giữa thầy vào trò đã biến tướng, giá trị đạo đức, văn hoá ứng xử đang bị xem nhẹ?
Thực tế, hiện nay, một số gia đình cho rằng trách nhiệm dạy bảo con em là của người thầy nên có tâm lý ỷ lại và giao phó toàn bộ trách nhiệm cho nhà trường. Ngoài ra, một bộ phận học sinh có tâm lý phức tạp, nổi loạn, bồng bột của tuổi mới lớn chưa được lắng nghe, điều chỉnh kịp thời.
Về phía người thầy, một số giáo viên cũng chưa thực sự gương mẫu trong hành vi, lời nói. Thậm chí, có thầy, cô giáo còn xúc phạm nhân phẩm, đánh đập học sinh, bị dư luận lên án.
Qua thực tế trên có thể thấy, xây dựng văn hoá ứng xử giữa thầy và trò đóng vai trò quan trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Vấn đề này từng được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò, các giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mỹ”.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng trong mỗi nhà trường, văn hóa tồn tại một cách tự nhiên, khách quan. Để tạo lập và phát triển bản sắc văn hóa riêng ấy, mỗi nhà trường cần nhận thức rõ bản chất của văn hóa của trường mình.
Đồng thời, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa ở một nhà trường phải có chủ đích rõ ràng và tiếp nối của các chủ thể quản lý nhà trường cùng với sự thống nhất, đồng thuận của tập thể sư phạm.
Xây dựng và phát triển văn hóa ứng xử trong nhà trường, đặc biệt là giữa học sinh và giáo viên, là một quá trình liên tục, lâu dài, cần có những bước đi phù hợp.
Đặc biệt, việc hình thành nhân cách của con người phải được thực hiện từ lúc còn bé đến khi trưởng thành, đồng thời có vai trò quan trọng của giáo viên, gia đình và xã hội. Trong đó, văn hoá ứng xử tích cực, phù hợp của giáo viên có thể tạo ra hiệu ứng tốt, giúp thúc đẩy học sinh, tạo ra môi trường lớp học thân thiện, hiệu quả.
Đề làm được điều đó, rất nhiều nhà trường đã chủ động xây dựng bộ văn hoá ứng xử và các buổi đào tạo giáo viên, hoạt động tập thể để giúp gắn kết mối quan hệ thầy trò.