Tôi kết hôn được 3 năm, có một bé trai 2 tuổi. Hiện tại, tôi chỉ ở nhà nội trợ, còn chồng tôi làm việc trong xưởng cơ khí của bố mẹ chồng.

Vợ chồng tôi sống chung bố mẹ chồng, vợ chồng anh chồng và các cháu. Tuy nhà cửa rộng rãi nhưng nhiều người chung đụng nên nảy sinh vô số vấn đề phức tạp.

Tôi không đi làm nên mọi người mặc định tôi phải quán xuyến tất cả, từ rửa chén, lau nhà cho đến lo cơm nước.

Lúc trước cưới, tôi nghe chồng kể mỗi tháng được mẹ trả lương khoảng 12 triệu đồng. Thế nhưng, từ ngày tôi về sống chung, mẹ chồng chỉ đưa cho chúng tôi 5 triệu đồng.

Khi tôi hỏi số tiền còn lại, mẹ chồng nói bà cất giữ, lúc nào vợ chồng tôi cần thì sẽ đưa ra. 

Mẹ chồng khắt khe, chi tiêu chặt chẽ khiến tôi bức bối. Thế nhưng, anh chồng còn đáng sợ hơn. Anh ấy rất kỹ tính và keo kiệt.

Mỗi lần tôi rửa chén, lau nhà, anh chồng đều bĩu môi chê không sạch sẽ. Anh bảo tôi nấu cơm không vừa miệng, nhạt nhẽo… Bất kể tôi làm việc gì cũng đều không vừa ý anh chồng. 

Theo lời kể của chồng tôi, anh chồng từng có ba đời vợ. Người vợ nào cũng chỉ chịu đựng được khoảng 2-3 năm thì ly hôn. Hiện tại, anh ấy chuẩn bị cưới vợ thứ tư. 

Làm dâu đã khổ, gặp phải anh chồng quá quắt càng đáng sợ hơn. Ảnh minh họa: Pexels.

Dù vợ mới còn chưa về sống chung, anh chồng đã dọa nạt tôi đủ kiểu. Anh ấy nhắc đi nhắc lại chuyện tôi phải làm hết chuyện nhà, không được tỵ với chị dâu. Chị dâu là người học thức, làm công chức, không quen động tay rửa chén, quét nhà… 

Không chỉ có vậy, anh chồng còn can thiệp vào chuyện tình cảm của vợ chồng tôi. Lần đó, trong khi con bị ốm mà chồng tôi bỏ đi sinh nhật bạn, lúc về lại say khướt. Tôi tủi thân và tức giận nên có trách móc vài câu.

Không ngờ, trong lúc say, chồng tôi đem chuyện vợ chồng rêu rao trên mạng xã hội. Đọc được chia sẻ của chồng tôi, anh chồng lập tức bình luận: “Vợ hỗn láo, mất dạy như thế thì bỏ đi, cưới con khác. Đàn bà có thiếu đâu mà lo”.

Trước bình luận cay nghiệt của anh chồng, tôi tức điên nhưng không biết phải phản ứng như thế nào. Bởi anh ấy rất đáng sợ, có chửi nhau tôi cũng không thể thắng. 

Nếu tôi đem chuyện này nhờ bố mẹ chồng phân xử thì người bị mắng chắc chắn là tôi, chứ không phải anh chồng. Thực sự, tôi quá bí bách, ngột ngạt khi phải sống trong hoàn cảnh như hiện tại. 

Tôi từng nghĩ đến chuyện rời bỏ cuộc đời này nhưng nghĩ đến con thơ, tôi đành ngậm đắng nuốt cay sống tiếp. Thế nhưng, tôi càng nhẫn nhịn, cách hành xử của nhà chồng càng thêm quá đáng.

Tôi phải làm sao để thoát khỏi cảnh tình oái ăm, liệu chồng tôi có đồng ý ra ở riêng? Đôi lúc, tôi thấy mình còn khổ sở hơn cả nhân vật Son trong phim Dưới bóng cây hạnh phúc đang được chiếu trên ti vi.

Không biết rồi đây, tôi và những phụ nữ chịu cảnh làm dâu phải làm gì để thay đổi số phận, tự lập và mạnh mẽ hơn…

Độc giả M.N (TP.HCM)