VietNamNet xin trân trọng giới thiệu bài viết tâm huyết của một nhà giáo có gần 40 năm trong nghề - TS Nguyễn Hoàng Chương (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, Bảo Lộc, Lâm Đồng) gửi tới tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Đọc thư của Bộ trưởng gửi tới các thầy cô giáo, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục – là một nhà giáo – tôi xúc động trước những lời lẽ chân thành mà tâm huyết của Bộ trưởng.

Thưa Bộ trưởng, thật sâu sắc khi ông nhấn mạnh: “Hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó. Đó là nguồn cảm hứng và nguồn sáng tạo bất tận của nhà giáo chúng ta”.

Khi nặng gánh gia đình, lúc phiền muộn đồng nghiệp hay đau đáu với phụ huynh, chỉ nhìn học trò cười đùa vô tư, ánh mắt gửi gắm thầy cô tương lai của các em, nhà giáo quẳng gánh lo đi và vui dạy!

Để lửa nghề mãi cháy, để nhà giáo dốc hết tâm sức vì học sinh thân yêu.

Có niềm tin, có tất cả

Hết tiết dạy ở trường, nhà giáo bắt đầu chuỗi công việc: soạn giảng, chấm bài, tiếp phụ huynh, sinh hoạt tổ chuyên môn – hội đồng – đoàn thể, học bồi dưỡng, cập nhật hồ sơ, tìm kiếm minh chứng, …. Nhiều việc chỉ là hình thức, đối phó, thực trạng đó chưa thay đổi, thưa Bộ trưởng.

{keywords}
 

Chương trình môn học vừa thừa, vừa thiếu.

Thừa – bởi học sinh phổ thông chỉ cần yêu cầu căn bản hay sinh viên thì muốn được tiếp thu cái hay, cái mới. Ở đây, kiến thức nặng nề, cũ kỹ. Nói giáo viên biên soạn lại chương trình nhà trường, chương trình lớp học, trong nhiều trường hợp là cắt bỏ đi yêu cầu của chương trình.

Thiếu – bởi kỹ năng cho trò hôm nay và công dân toàn cầu của ngày mai thì trong chương trình khá trống vắng và thời gian dành cho hoạt động trải nghiệm quá ít ỏi. Đã thế, phương pháp giảng dạy lại không ổn định. Giáo viên bơi giữa biển phương pháp, mô hình trường học mới (VNEN) chẳng hạn, nơi bảo làm tốt, lại có nơi quyết không tiếp tục triển khai. Ngay cả ở địa phương được xem là điển hình của VNEN, thầy cô đứng lớp – sáng VNEN, chiều quay trở về “truyền thống”. Giáo viên bị xói mòn cảm xúc. Hãy trả lại cho họ sự an yên trong mỗi ngày đến trường, nhà giáo chúng tôi đặt hy vọng vào tân Bộ trưởng Bộ GD – ĐT.

Chúng ta luôn nhấn mạnh, không để một học sinh nào bị bỏ rơi, mở rộng ra, không để một trường học nào bị bỏ rơi! Thế nhưng, thầy cô công tác ở các trường vùng sâu, vùng xa, trường chất lượng thấp – họ chưa được quan tâm đúng mức cả về vật chất và tinh thần. Có chăng là rộ lên dịp khai giảng, kỷ niệm này Nhà giáo Việt Nam rồi lại thôi. Hiếm hoi lắm mới có thầy cô ở đây mới được khen thưởng!

Vinh quang nghề dạy học được tạo dựng từ truyền thống của dân tộc, cần tiếp tục nâng lên tầm cao mới với quyết sách mạnh mẽ, có như thế giá trị ấy luôn là niềm tự hào của thầy cô trong mỗi ngày đến trường.

Thí điểm chương trình phổ thông phân ban, Đề án ngoại ngữ 2008 – 2020, thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông, thi chọn giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi, mục đích thật cao đẹp, nhưng thực hiện còn nhiều bất cập.

Bộ GD – ĐT hãy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá trung thực để thay đổi, để tạo dựng lại niềm tin. Có niềm tin, có tất cả! Nhà giáo chúng tôi đặt niềm tin vào tân Bộ trưởng Bộ GD – ĐT.

Để hiện thực hóa khát vọng hùng cường

{keywords}
 

Với học sinh phổ thông, nội dung học tập nhẹ nhàng, tập trung rèn đạo đức, tăng cường hoạt động trải nghiệm; với sinh viên tăng cường kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp. Nguồn nhân lực đó đóng góp cho công cuộc xây dựng nước nhà khi và chỉ khi các em là học sinh, sinh viên tử tế, năng động và tích cực.

Giáo dục phải trung thực, học đường phải kỷ cương, được vậy, mới triệt tiêu bạo lực học đường, tình thương và trách nhiệm nảy nở làm nền tảng cho đổi mới căn bản và toàn diện.

Đại học, sau đại học, việc cần kíp là hiện đại giáo trình và thực hiện chuyển đổi số. Trao quyền tự chủ nhưng siết chặt giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, không ít cơ sở chăm vào lợi nhuận, mục tiêu đào tạo bị biến tướng. Nếu không ngăn chặn kịp thời, hệ quả khôn lường!

Cán bộ quản lý ở cơ sở và cấp trên cơ sở, họ phải được đào tạo và bồi dưỡng nghiêm ngặt, tuyển chọn khắt khe, tiến tới tuyển chọn thông qua cạnh tranh.

Huy động mọi nguồn lực để giáo viên sống được bằng lương, phát triển mô hình trường công lập tự chủ về tài chính và trường tư thục ở những nơi đủ điều kiện, tạo điều kiện để giáo viên được làm thêm một cách chính đáng, không để dạy thêm, học thêm tràn lan làm méo mó hình ảnh người thầy.

Học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng, thưa Bộ trưởng hiện nay – ở trường dạy một đường, các trung tâm ngoại ngữ dạy một kiểu, thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ lại theo yêu cầu đọc, viết (trắc nghiệm khách quan).

Thi thế nào, dạy học thế ấy đang đẩy việc dạy và học môn ngoại ngữ xa mục tiêu giao tiếp. Việc bồi dưỡng cho giáo viên ngoại ngữ cùng với trang bị phương tiện dạy học ngoại ngữ không đem lại hiệu quả! Mong lắm Bộ trưởng Bộ GD – ĐT có chương trình hành động để cải tiến tình hình dạy học ngoại ngữ hiện nay.

Môn Công nghệ, Nghề phổ thông, Thể dục nặng về kiến thức và điểm số, thầy trò dạy – học vì điều kiện lên lớp, để dự thi tốt nghiệp. Ngay bây giờ cần thay đổi, thưa Bộ trưởng!

Cùng với cả nước, ngành GD – ĐT ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo tiền đề quan trọng để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường. Kính chúc Bộ trưởng gặt hái nhiều thành công trên cương vị mới.

TS Nguyễn Hoàng Chương (Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát, Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Tân Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Thách thức và kỳ vọng

Tân Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Thách thức và kỳ vọng

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn vừa chính thức trở thành tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Các chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành giáo dục kỳ vọng gì?