Với mục tiêu phát triển ngành thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, những năm qua Ninh Bình đã tổ chức quy hoạch, sắp xếp, quản lý và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa và hướng tới xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; trong đó có chính sách hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản, tạo đà cho sản xuất phát triển.

anh bai 1 chuna.jpg
Nhiều hộ dân được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay đã mạnh dạn phát triển thêm mô hình, mở rộng diện tích nuôi trồng.

Nhằm triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 và Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi thủy sản, tương xứng với lợi thế, tiềm năng sẵn có và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Theo đó, tỉnh đã chuyển đổi nghề khai thác hải sản hoạt động ở vùng ven bờ sang nghề dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí hoặc tham gia hướng dẫn du lịch trong khu vực bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và không vi phạm các quy định của pháp luật.

Cụ thể là từ cuối năm 2001, Chính phủ phê duyệt phương án bổ sung chuyển đổi mục tiêu Dự án lấn biển Bình Minh III từ trồng lúa, cói sang nuôi trồng thủy sản đã mở ra hướng đi mới, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất mở. 

Đồng thời, Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 26/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững vùng kinh tế ven biển Kim Sơn giai đoạn 2022-2030 tiếp tục định hướng phát triển, mở hướng đi mới với quy mô bền vững, trọng tâm là nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao; phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ, thương mại ven biển.

Đặc biệt, để nuôi trồng thuỷ sản phát triển ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu thuỷ sản cả về số lượng và chất lượng phục vụ chế biến, xuất khẩu, ngày 17/8/2023, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố các đơn vị liên quan về tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thuỷ sản; tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển nuôi trồng thuỷ sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021, Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 và Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 và Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 22/02/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 – 2030.

Nhiều hộ dân được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay đã mạnh dạn phát triển thêm mô hình, mở rộng diện tích nuôi trồng. Nhiều ngư dân có tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm nghề khai thác hải sản cũng chuyển đổi sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản. 

Thời gian qua, ngành nuôi trồng thủy sản đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như ở Kim Sơn, Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô...; đồng thời hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, khai thác, nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc liên kết, thành lập các HTX. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 30 HTX chuyên ngành thuỷ sản với hơn 700 thành viên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2017, tổng diện tích nuôi thuỷ sản của tỉnh ước đạt 11.974,7ha; tổng sản lượng ước đạt 48.501 tấn, giá trị sản xuất ước đạt 1.240 tỷ đồng. 

Đến năm 2022, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 60,79 nghìn tấn, tăng 7,1% so với năm trước. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 63.200 tấn.

Từ năm 2022, các địa phương đã chuyển đổi mạnh từ hình thức nuôi quảng canh, bán thâm canh sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh năng suất cao, đặc biệt diện tích nuôi tôm trong nhà lưới  tiếp tục được mở rộng, diện tích đạt 64,5 ha, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị. 

Hiện nay, Ninh Bình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước trong sản xuất giống ngao, hàu, với sản lượng ngao giống đạt 99.208 triệu con, hàu giống đạt 16.000 triệu con. Đặc biệt, vừa qua, hàu giống Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu chứng nhận, góp phần phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm.

Để thực hiện việc chuyển đổi nghề khai thác hải sản hoạt động ở vùng ven bờ sang nghề dịch vụ nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 – 2030. 

Theo đó, tỉnh đưa ra mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt khoảng 15.358 ha; sản lượng đạt 104.000 tấn; giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản ước đạt 3.200 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5%/năm. 

Để thực hiện mục tiêu này, hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất công nghệ cao; xây dựng chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thủy sản nâng cao sức cạnh tranh; xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản đặc trưng địa phương gắn với các ngành dịch vụ thương mại du lịch của tỉnh.

Thanh Hùng và nhóm PV, BTV