Tát hổ!
Quả thật, đối với tâm lý những người nuôi hổ như anh em nhà C. (Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An) thì việc để người lạ tiếp xúc với việc nuôi nhốt hổ trái phép này là một điều cực kỳ cấm kị. Để được vào xem hổ, quả thật không dễ thuyết phục chủ nuôi.
Sau khi làm hết mấy lon bia của người bạn đưa đến, thấy mấy anh em chúng tôi thiết tha được nhìn thấy hổ. Lần lữa mãi, cuối cùng C. cũng đồng ý dẫn những người chưa từng quen biết như chúng tôi ra chiêm ngưỡng.
Trước khi xem, C. chỉ dặn: Không được chọc phá chúng, không thì khó giữ tính mạng.
Khu chuồng cọp nằm ngay phía sau phòng khách gia đình. Mới đến gần đã ngửi thấy mùi khét lẹt, hôi thối xốc lên tận mũi. Phía bên ngoài chuồng, những đống thức ăn của hổ như đầu, cánh, chân gà, vẫn còn vứt bừa bãi.
Chuồng hổ được ngăn cách với bên ngoài bằng chiếc cửa gỗ. Thoạt nhìn, chúng tôi không nghĩ đó là nơi nhốt hổ, bởi nó quá gần, sát ngay khu nhà vệ sinh gia đình. Phía bên trong, là nơi 4 con hổ trưởng thành đang sinh sống. Ngăn cách với thế giới con người bằng chiếc cổng sắt.
Vừa thấy nhóm người đến mấy con hổ đang nằm nghỉ trưa liền bật dậy, chạy ra phía cổng sắt, chồm lên. Nhìn thấy những chiếc răng và nanh vuốt sắc nhọn, những người có mặt không khỏi ớn lạnh xương sống.
C. kéo chốt cửa sắt rồi đi vào trong. Nhận ra chủ, 4 con hổ liền quẩn quanh phía C.. Thấy thế, anh bạn đi cùng tôi liền nói, “cẩn thận không nó vồ phát là toi mạng đấy”.
“Những con hổ này ăn no rồi, vả lại tôi nuôi chúng từ nhỏ, chăm sóc như con đẻ nên chúng biết mà. Có lần một con hổ tự nhiên nhảy xốc vào người khiến tôi ngã. Bực quá, tôi dậy làm cho mấy tát, thế là nó ngoan ngoãn nằm xuống”, C. đáp lời.
C. tiếp lời, tuy là hổ thuần nuôi từ nhỏ, khá hiền lành nhưng do mức độ nguy hiểm cao nên chẳng ai trong nhà dám đi một mình vào trong chuồng.
Chỉ khi có C. vào cùng thì người nhà mới dám vào. Thế cho nên, hơn 1 năm qua, C. chẳng khi nào dám xa nhà quá 2 tiếng đồng hồ. Bởi nếu lũ hổ có chuyện gì thì không ai giải quyết.
Nhổ râu hùm
Nghe C. giới thiệu, những người đi cùng tôi liền nảy sinh ý định vào sát với hổ để anh em chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm. Tôi thì chẳng dám, chỉ đứng mấp mé phía ngoài, phục vụ chụp ảnh.
Kể ra mấy anh bạn cũng gan dạ. Tuy có C. đứng cùng, nhưng không ai dám đảm bảo là những con hổ sẽ để yên cho những vị khách lạ không mời mà đến.
Thấy có người lạ vào, một con hổ lừ đừ tiến lại. Trên tay C. lúc này đang cầm chiếc ống nhựa. Người chủ đánh 1 phát vào mặt con hổ. Gừ lên một tiếng, con hổ bỏ đi về góc phòng. Những người lạ mặt thích cảm giác mạnh đùa giỡn với chúa sơn lâm tha hồ chụp ảnh, làm dáng bên những con hổ tạ.
Chứng kiến cảnh tượng này, một số người đứng ngoài không khỏi sởn da gà. Bởi ai cũng biết, hổ là loài động vật ăn thịt, dữ dằn. Chẳng may một trong 4 con hổ trở chứng thì hậu hoạ thật khó lường. Bởi cũng đã có không ít thông tin về các vụ hổ nuôi tấn công người tại các vườn thú.
Vừa lên tiếng bảo mọi người ra khỏi chuồng, C. nhanh nhảu trấn an: "Các anh yên tâm, trừ khi không có tôi thì nguy hiểm, chứ tôi ở trong phòng thì chúng nó chẳng dám làm gì đâu".
Nói rồi C. dùng cây ống nhựa đánh vào mặt con hổ lớn nhất rồi cười vang. Chú hổ ngoan ngoãn nằm xuống bên chân chủ nó. C. tiết lộ rằng, nhiều lúc “nghịch quá” thì anh sẽ dạy bảo bằng roi nên chúng rất sợ.
Chẳng dám đùa lâu trong chuồng cọp, mấy anh bạn tôi bước ra ngoài rồi hí hửng xem lại những bức hình vừa chụp. C bước ra ngoài, chốt cửa lại và dặn “đừng mở cửa, không thì rất nguy hiểm”. Nói rồi C. bỏ ra nhà ngoài.
Thấy C. bỏ đi, trong lúc tôi đang loay hoay ghi thêm hình ảnh thì đám bạn bắt đầu bày trò chọc hổ, nhổ râu cọp. Họ dùng ống nhựa chọc cho hổ ra phía cửa sắt. Những con hổ có vẻ cũng thích thú với trò đùa, vồ lên thành cửa rồi gặm ống nhựa. Chỉ chờ có thế, hai anh bạn liền thò tay nhổ râu con hổ lớn.
Con hổ được thuần nuôi từ nhỏ chẳng có phản ứng gì trước hành động kỳ quặc của đám người lạ. Được một lúc, anh bạn tôi đưa ra một nhúm râu hổ rồi tự hào nói: "Ai bảo không dám vuốt râu hùm. Tôi đây còn nhổ cả chùm nữa ấy chứ".
Phan Sông La