Được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2020, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn.

Địa phương đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024 với kết cấu hạ tầng, môi trường phát triển đồng bộ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết, hợp tác, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ổn định, hiệu quả; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội...

tân trụ.jpg
 Thúc đẩy ứng dụng số trong trồng trọt, chăn nuôi.

Đặc biệt, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân, huyện Tân Trụ triển khai nhiều mô hình, chương trình hoạt động về chuyển đổi số, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng cung cấp dịch vụ giữa nông thôn với thành thị.

100% phòng, ban huyện, UBND xã, thị trấn triển khai đồng bộ mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng nội bộ, thiết bị tường lửa bảo vệ hệ thống mạng (đối với cấp huyện); trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước cấp huyện, cấp xã đạt 100%; ký số cấp huyện, cấp xã đạt 100%.

Trung tâm Hành chính công huyện, Bộ phận Một cửa cấp xã tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng; cung cấp thông tin phục vụ tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến, qua ứng dụng Zalo.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa tất cả các quy trình thủ tục hành chính, huyện khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh.

Huyện Tân Trụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất nông nghiệp tích cực tham gia giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ trong trồng trọt và chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR...

100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn huyện sử dụng hóa đơn điện tử. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang cung cấp dịch vụ Internet cố định băng rộng và dịch vụ truy cập Internet 3G, 4G được phủ đến 100% ấp có dân cư trên địa bàn toàn huyện; hộ gia đình có Internet cáp quang đạt 89%, hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt hơn 96%.

Người dân có thể tự thanh toán tiền điện, nước, hóa đơn sinh hoạt hàng tháng đạt gần 90%; 11/11 cơ sở y tế sử dụng căn cước công dân gắn chíp để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…