Việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít, đại diện Bộ Tài chính lý giải đề xuất này nhằm ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm, không thể để giá xăng thấp hơn các nước, tránh buôn lậu.

Giá xăng không thể thấp hơn các nước

Lý giải về đề xuất nới khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít xăng, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, động thái này là để ứng phó với việc thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã cam kết với các nước.

Đơn cử với xăng, dầu, theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do trong nội khối ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. 

{keywords}

Đề xuất tăng khung thuế môi trường xăng dầu là để bù đắp giảm thuế nhập khẩu.

Cụ thể: Trong biểu thuế ATIGA, mức thuế nhập khẩu đối với các loại dầu là 0%, các loại xăng về 8% vào năm 2021, về 5% vào năm 2023 và 0% vào năm 2024. Trong biểu thuế ACFTA, mức thuế đối với một số loại dầu về 5% và 8% vào năm 2016. Trong biểu thuế AKFTA, mức thuế đối với các loại dầu về 0%; các loại xăng về 10% vào năm 2018 và về 8% vào năm 2021.

Ông Vũ Khắc Liêm cho hay, khi hội nhập sâu rộng thì cũng phải cơ cấu lại nguồn thu chi ngân sách. Cách đây hơn 10 năm, thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt,... Nay thuế nhập khẩu cắt giảm mạnh, thuế nhập khẩu xăng dầu sắp tới chỉ còn 0%, 5% thì việc thu thuế bảo vệ môi trường là để bù đắp nguồn thu.

Ngoài ra, ông Liêm cũng lưu ý, đề xuất nới khung thuế lên mức 4.000-8.000 đồng/lít xăng là “để tính sao cho xăng dầu của Việt Nam không thấp hơn các nước xung quanh” khi giảm thuế nhập khẩu, góp phần tránh phát sinh buôn lậu.

"Không phải thu đồng nào là ra đồng ấy"

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, kể từ thời điểm bắt đầu áp dụng (năm 2012) đến nay, số thu thuế bảo vệ môi trường năm sau đều tăng hơn năm trước. Trong đó, số thu thuế đã tăng dần từ mức 11.160 tỷ đồng năm 2012 lên 42.393 tỷ đồng năm 2016.

Tuy nhiên, số chi cho bảo vệ môi trường chỉ đạt 9.000 tỷ đồng trong năm 2012, 2013 và tăng lên 12.290 tỷ đồng năm 2016. 

{keywords}

Ông Vũ Khắc Liêm: Không thể nói thuế bảo vệ môi trường là trực tiếp chi cho môi trường.

Như vậy, có ý kiến băn khoăn số thu từ thuế bảo vệ môi trường không dành hết cho bảo vệ môi trường.

Về băn khoăn này, đại diện Vụ Chính sách thuế lý giải: Hiện chúng ta không tính toán được hàng năm Nhà nước đầu tư cho môi trường là bao nhiêu cả. Ngoài ngân sách đầu tư, tối thiểu 1% tổng thu ngân sách, thì còn vốn vay ODA, quỹ nọ quỹ kia về môi trường. Nếu nói về vấn đề xử lý môi trường thì rất lớn, đầu tư cho vấn đề môi trường cũng rất lớn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Việc lấy ý kiến dự thảo điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường mới chỉ là xây dựng khung thuế suất, tùy điều kiện tình hình, thời điểm sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định. Tinh thần chung là vừa đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sản xuất kinh doanh cho DN và thu ngân sách.

“Thuế môi trường là để góp phần bảo vệ môi trường. Còn chúng ta không thể nói Thuế bảo vệ môi trường là trực tiếp chi cho môi trường. Nó chi cho môi trường nhưng chi từ ngân sách nhà nước còn nhiều khoản còn lớn hơn, chứ cái này rất nhỏ”, ông Liêm nói.

Ông Liêm cũng cho hay thu thuế bảo vệ môi trường là thu về ngân sách, còn chi thì lại ở mục khác. “Không phải thu đồng nào là ra đồng ấy”, ông Liêm nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của PV.VietNamNet về việc nếu khung thuế bảo vệ môi trường tăng, gánh nặng sẽ đặt lên người dân, DN, ông Liêm cho biết không phải vì mong muốn tăng thu mà chúng ta tăng thuế cao khiến sức cạnh tranh của DN giảm đi, bởi nền kinh tế của chúng ta không mạnh như một số nước.

Và việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này nhằm xin ý kiến của các bộ, ngành địa phương, xin Quốc hội điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường.

Khung thuế bảo vệ môi trường hiện hành là từ 1.000-4.000 đồng/lít xăng, và ban đầu chúng ta cũng chỉ thu có 1.000 đồng/lít, sau tăng lên 3.000 đồng/lít.

Cho nên với đề xuất nâng khung thuế lên tối đa 8.000 đồng/lít, ông Liêm nhận xét chỉ để có dư địa linh hoạt hơn trong công tác điều hành. Không có nghĩa khung thuế đưa ra mức tối đa 8.000 đồng/lít là sẽ tăng ngay lên 8.000 đồng mà phải có lộ trình, căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội cụ thể để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

“Không phải Bộ lấy ý kiến về khung thuế suất là sẽ áp dụng ngay, còn phải trải qua rất nhiều khâu đánh giá, thẩm định nữa”, ông Liêm trấn an và cho biết quyết định cuối cùng là sẽ thuộc về Quốc hội.

Lương Bằng