Giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh là nội dung quan trọng trong Chương trình Sức khỏe học đường 2021-2025. Gần đây, nhiều sự việc học sinh có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm do ăn các loại bánh, kẹo, nước ngọt "lạ" ở cổng trường hoặc từ bạn bè trong trường khiến nhiều người lo lắng, đặt ra yêu cầu phải tăng cường giáo dục cho các em về thực phẩm lành mạnh, an toàn. 

Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh, clip về các gói kẹo được bày bán trước cổng các trường học trên địa bàn TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) nghi chứa ma túy khiến nhiều người dân hoang mang. Tuy nhiên, sáng 1/12, Công an tỉnh Lạng Sơn, cho biết qua giám định các mẫu kẹo không chứa chất ma túy. Đây là các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, có nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm) gửi Phòng GD-ĐT quận, trưa 29/11, Phòng Y tế của trường tiếp nhận 10 học sinh lớp 6 và 1 học sinh lớp 7 đến kiểm tra với biểu hiện đau bụng, buồn nôn sau khi ăn kẹo "lạ". 

hocsinh.vnn35.png
Giáo dục học sinh về thực phẩm lành mạnh, an toàn là nội dung quan trọng trong Chương trình Sức khỏe học đường 2021-2025. Ảnh: VietNamNet

Nhà trường cũng cho biết, số học sinh này không ăn bán trú, không ngủ trưa ở trường. Trong ngày, các em đã mua một loại kẹo không rõ nguồn gốc, vỏ bao có màu xanh, ghi chữ nước ngoài trên đường và chia nhau ăn. Sau khi ăn kẹo chừng 45 phút, tất cả học sinh kể trên có dấu hiệu mệt, đau đầu, buồn nôn. Ngay lập tức, nhà trường đã đưa các học sinh đến Trạm Y tế phường Đại Mỗ khám và theo dõi sức khoẻ.  

Trước đó vài ngày, ngày 25/11, có 126 học sinh của Trường THCS Thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) - chủ yếu khối 8 và 9 - đã sử dụng loại kẹo vỏ màu xanh biển, cùng dòng chữ nước ngoài. Trong số này, 5 học sinh xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở, tê môi, được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn theo dõi, điều trị sau đó được xuất viện.

Đến ngày 27/11, nhiều học sinh của Trường THCS & THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu) mua kẹo ở cổng trường để ăn, đến tối cùng ngày xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn. Tổng cộng có 29 học sinh có triệu chứng trên, trong đó, 27 em lớp 6 và 2 học sinh lớp 8.

Ngay sau khi xảy ra các sự việc trên, lãnh đạo sở giáo dục & đào tạo các địa phương đã chỉ đạo, yêu cầu các nhà trường tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học và tuyên truyền tới phụ huynh, học sinh không mua đồ ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hàng loạt trường học tại Hà Nội đã đề nghị cha mẹ học sinh phối hợp với nhà trường, nhắc nhở và không cho con mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn.

Ngoài nỗi lo trẻ ngộ độc thực phẩm thông thường, nhiều phụ huynh lo con ăn phải các loại thực phẩm, nước uống có chứa các chất ma túy mới. Thực tế, không ít cơ sở y tế từng tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhi ngộ độc vì ăn phải các bánh chứa chất gây nghiện mới mà không hề biết. 

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện trung tâm chưa ghi nhận trường hợp học sinh bị ngộ độc ma túy do ăn kẹo bán ở cổng trường. Trước đó, trung tâm đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc cần sa trong bánh ngọt, bánh quy, kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lào, thậm chí là ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô...   

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, chất gây nghiện "núp bóng" thực phẩm như kẹo viên, kẹo sô-cô-la, kẹo xoài, kẹo mút tẩm cần sa, bánh quy... làm gia tăng nguy cơ trẻ tiếp xúc và ngộ độc với các loại ma túy.  

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ, thầy cô cần giáo dục trẻ nhiều hơn về thực phẩm lành mạnh, an toàn. Để hạn chế nguy cơ trẻ tiếp xúc với các loại ma túy trá hình, cách tốt nhất là cha mẹ tuyệt đối không cho con tiền để tự mua đồ ăn, đồ chơi. Trường hợp trẻ hay ăn vặt, cha mẹ nên giáo dục con không nên mua hay sử dụng các loại đồ ăn, thức uống lạ.  

Minh An