An toàn giao thông trong và ngoài trường học đối với học sinh luôn là vấn đề được cơ quan chức năng và toàn xã hội quan tâm.

Đầu mỗi năm học, các nhà trường đã tổ chức ký cam kết giữa cha mẹ học sinh, học sinh và nhà trường về việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra, gây hậu quả đau lòng cho gia đình và toàn xã hội.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cho biết, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông liên quan đến các em học sinh ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 84.971 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, tạm giữ 47.437 xe mô tô. Trong đó có tới 42.520 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện...

336aeb16 da22 43f3 824f aa5794ad7682.jpeg
Tuyên truyền tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, phụ huynh tại Thanh Hóa 

Những hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, đi xe mô tô khi chưa đủ điều kiện (không có giấy phép lái xe)...

Công an các địa phương đã xử lý 17.253 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, khởi tố 100 vụ, 110 bị can về hành vi “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

“Thực trạng này rất đáng lo ngại, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho TNGT trong học sinh tăng cao. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc đã xảy ra 1.147 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm chết 436 em, bị thương 1.222 em, so với 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 40 vụ (+3,61%)”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.

Chính bởi vậy, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng văn hóa giao thông.

Cần tăng cường giảng dạy kiến thức về trật tự an toàn giao thông

Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giảng dạy kiến thức về trật tự an toàn giao thông, kỹ năng thực hành điều khiển phương tiện đối với lứa tuổi học sinh được phép sử dụng xe gắn máy theo quy định của pháp luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về TTATGT cho học sinh các cấp; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai kế hoạch hành động về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” đối với học sinh trên phạm vi toàn quốc.

Bộ này cũng được yêu cầu tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của địa phương; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương, gia đình để quản lý học sinh trong việc chấp hành các quy định về TTATGT.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng về tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh, một trong số đó phải kể tới nhận thức của các em chưa được nâng cao. Vấn đề đặt ra chính là làm thế nào để tăng cường ý thức tham gia giao thông cho các em, tăng cường nhận thức ATGT cho các bậc phụ huynh.

Để thực hiện được điều đó, cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bên liên quan: gia đình - nhà trường - xã hội. Trong đó, chủ động hướng học sinh vào việc phát triển các kỹ năng nhận diện và đối phó một cách an toàn với các tình huống nguy hiểm là nhiệm vụ đặt ra hàng đầu trong công tác giáo dục ATGT cho học sinh trong nhà trường. Nhận diện và đối phó được với các tình huống nguy hiểm giúp các em hạn chế được tai nạn giao thông và các rủi ro khác khi tham gia giao thông.

Được biết, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia mới đây đã tổ chức hoạt động truyền thông “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” thông qua bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”.

Bộ tài liệu này sẽ được tuyên truyền sâu rộng, lan tỏa tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm hướng tới mục tiêu tuân thủ quy định của pháp luật về TTATGT nói chung và “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” nói riêng của mọi tầng lớp nhân dân trên phạm vi toàn quốc.

Ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định: “Truyền thông từ bộ tài liệu 'Mô hình phiên tòa giả định' là một bước tiến, một cách làm mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Với hình thức trực quan, sinh động, người dân có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật, nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm; từ đó tạo sự tác động mạnh mẽ vào nhận thức, thúc đẩy ý thức tự giác chấp hành pháp luật cũng như nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân”.

Phó Chủ tịch Chuyên trách cũng đề nghị Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị sẽ nắm bắt và nghiên cứu áp dụng, triển khai mô hình này một cách hiệu quả và phù hợp tại địa phương, đơn vị mình, góp phần tạo nên một xã hội an toàn, văn minh.