Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 2 ngày 18/11/2016 và được Chủ tịch nước ký Lệnh số 12/2016/L-CTN ngày 1/12/2016 công bố.
Việc ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là sự cụ thể hóa quan điểm và chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo, thể hiện nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Kể từ khi ra đời, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Những nội dung mới của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng được bổ sung để tạo sự tương thích với luật pháp quốc tế trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, ký kết và thi hành nhiều hiệp định.
Tuy nhiên theo ông Hồ Việt Anh, Trưởng ban Tôn giáo, Sở Nội vụ Thanh Hóa, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng hiện nay mới tập trung tại các cơ sở tín ngưỡng là di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội tín ngưỡng...
Ở cấp tỉnh chưa có văn bản pháp luật giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng cho cơ quan chuyên môn nào chịu trách nhiệm trong bối cảnh các hoạt động tín ngưỡng, cơ sở tín ngưỡng ngày càng đa dạng và phức tạp về loại hình, quy mô. Nếu không quản lý chặt chẽ hoạt động tín ngưỡng sẽ dẫn đến sự phát triển tràn lan, lệch chuẩn của nhiều loại hình tín ngưỡng.
"Hoạt động tín ngưỡng diễn ra phức tạp, một số hoạt động tự phát, không báo cáo chính quyền địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý, nhiều đối tượng lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan”, Trưởng ban Tôn giáo, Sở Nội vụ Thanh Hóa Hồ Việt Anh nói.
Trong khi đó, Chương III, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chỉ quy định những vấn đề liên quan đến người đại diện, ban quản lý của cơ sở tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng. Điều này khiến chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn khi giải quyết những vấn đề liên quan đến địa vị pháp lý của cơ sở tín ngưỡng.
Nhằm tăng cường hiệu quả thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Thanh Hóa kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng cấp Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó cần thống nhất một số từ ngữ như: “công trình tôn giáo”, “công trình phụ trợ”, “địa điểm hợp pháp”, “cơ sở tín ngưỡng”... cho dễ hiểu, tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu và thực hiện một cách khác nhau. Bên cạnh đó cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trong các văn bản pháp luật.
Ngoài ra Thanh Hoá kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính và thời gian thực hiện hơn nữa, phân cấp cấp phép xây dựng cụ thể hơn, bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân thực hiện, tránh trường hợp cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không đáp ứng các quy định về thủ tục dễ dẫn tới vi phạm cấp phép xây dựng đối với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Cùng với đó cần rà soát lại các điều, khoản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo để sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn như Điểm c, Khoản 2, Điều 29 hay Điều 35, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo còn dùng nhiều từ ngữ chưa rõ ràng và gây khó hiểu khi thực hiện.
Đình Thành, Vân Anh, Lê Thúy