Cuối tháng 6 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) đã tổ chức Hội thảo Quốc tế thường niên lần thứ 13 về Biển Đông dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo có sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, quan chức thuộc các bộ ngoại giao, quốc phòng của Mỹ, cùng nhiều chuyên gia, học giả nổi tiếng đến từ Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Đáng chú ý là sự hiện diện của Hạ nghị sỹ Jennifer Kiggans thuộc đảng Cộng hòa - thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện và Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink. 

Đoàn Việt Nam tham dự hội thảo do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao dẫn đầu.

hoithao.png
Các học giả, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận 4 chủ đề chính về tình hình tại
Biển Đông thời gian gần đây.

Các học giả, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận 4 chủ đề chính về tình hình tại Biển Đông thời gian gần đây; những điểm mới về pháp lý và quản lý tranh chấp ở Biển Đông; sự tham gia của mạng lưới liên minh vào Biển Đông; và vai trò của các chủ thể bên ngoài như Nhóm Bộ Tứ (QUAD), liên minh an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) và châu Âu.

Đại diện đoàn Việt Nam khẳng định, Việt Nam ủng hộ giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã đặt câu hỏi cho các chuyên gia về vị trí của ASEAN trong tầm nhìn và chính sách khu vực của Mỹ và các nước tầm trung như Ấn Độ, Anh, Úc hay Canada. Một cán bộ Viện Biển Đông cũng nêu ra một số câu hỏi về xu hướng hiện diện của Mỹ tại khu vực thông qua FONOP, cảnh sát biển, các tập hợp nhóm mới nổi cũng như các sáng kiến nhằm minh bạch hóa tình hình trên thực địa.

Phát biểu tại hội thảo, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink nhấn mạnh, chính sách của Mỹ tại Biển Đông là hỗ trợ mọi quốc gia thực hiện chủ quyền và theo đuổi lợi ích quốc gia của mình.

Mỹ tin rằng, mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ những quy tắc như nhau... Việc duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông là một phần của tầm nhìn lớn hơn của chính quyền Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. 

"Duy trì hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông là một phần quan trọng trong chính sách của Mỹ. Chúng tôi tiếp tục hợp tác với các đồng minh, đối tác trong khu vực và thế giới để đảm bảo tự do hàng hải trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế", trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phát biểu.

Trả lời phỏng vấn của báo chí, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Biển Đông cho biết, sự tham gia của Việt Nam tại hội thảo lần này, trước hết là nhằm bày tỏ những quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, giải thích rõ tính chính nghĩa cũng như cơ sở pháp lý một cách rõ ràng về những yêu sách của Việt Nam tại Biển Đông, cả về chủ quyền lẫn yêu sách về vùng biển.

Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam cũng muốn thể hiện một quan điểm tích cực mang tính xây dựng là sẵn sàng giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông một cách hòa bình, qua đó góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.

Văn Điệp và nhóm PV, BTV