Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương do Thủ tướng chủ trì hôm qua, các địa phương nêu kiến nghị mong Chính phủ, Thủ tướng gỡ vướng, trong đó có nội dung liên quan đến việc sáp nhập sở ngành, phòng ban.

{keywords}
Ảnh: VGP

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu đề nghị Chính phủ sớm ban hành 2 nghị định liên quan đến việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện (sửa đổi nghị định 24, 37 về sáp nhập sở ngành, phòng ban) để tỉnh thực hiện tốt và đồng bộ theo tinh thần nghị quyết 18, 19 của TƯ.

"Chúng tôi đã chủ động xây dựng một số đề án, chỉ chờ cơ sở pháp lý để triển khai. Nếu để kéo dài việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ, công chức. Hơn nữa sắp tới còn thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị để bắt tay vào chuẩn bị đại hội Đảng các cấp. Vì vậy mong Chính phủ có ý kiến sớm để địa phương bắt tay vào làm ngay", ông Châu nói.

{keywords}
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu

Giải đáp sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Bộ đã tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và hoàn thành dự thảo 2 nghị định 24 và 37. Bộ Nội vụ đã có báo cáo và đã trình Chính phủ.

Ông Tân đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm xếp lịch trình lãnh đạo Chính phủ thông qua theo đề nghị của các địa phương.

Liên quan đến việc sáp nhập xã huyện, Bộ Nội vụ cho biết đến nay mới nhận đề án của 40/63 tỉnh.

Vì vậy, ông đề nghị các tỉnh có sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện không đủ tiêu chí theo nghị quyết 37 của Bộ Chính trị và nghị quyết 32 của Chính phủ sớm lập phương án.

Trên cơ sở đó, Bộ tổng hợp cho ý kiến, hoàn thành đề án để Chính phủ trình UB Thường vụ QH thông qua và hoàn thành trong năm. 

Liên quan đến biên chế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin thêm, trong cuộc họp Chính phủ tháng 6, ông đề nghị Thủ tướng có kết luận sớm việc giao chỉ tiêu về tinh giản biên chế năm 2020 đối với các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập để Bộ Nội vụ sớm trình Chính phủ phê duyệt giao biên chế năm 2020 vào tháng 8 này.

Đồng thời, ông cũng đề nghị các địa phương, bộ ngành có báo cáo về tinh giản biên chế trong 6 tháng đầu năm gửi về bộ thẩm định chuyển Bộ Tài chính cấp kinh phí tinh giản biên chế.

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Bộ trưởng Nội vụ cũng đề nghị lãnh đạo của các bộ ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện theo tinh thần của Thủ tướng tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ để chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội 13 của Đảng.

TP.HCM mời Thủ tướng vào họp gỡ khó cho các dự án trọng điểm

Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ sớm thông qua nghị quyết cho phép TP.HCM thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất.

Ông cũng kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt đề án cổ phần hóa DNNN TP.HCM giai đoạn 2019 - 2020.

Chủ tịch TP.HCM mong muốn Thủ tướng sắp xếp, có buổi làm việc với TP vào giữa tháng 7 để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn đối với các dự án trọng điểm chậm triển khai.

{keywords}
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong

Trong 6 tháng cuối năm, ông Phong cho biết TP.HCM sẽ triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc sẽ thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước và thực hiện quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Từ đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi các quy định có liên quan về đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở; sớm ban hành văn bản quy định cụ thể các ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Chung cũng đề nghị Chính phủ cho phép các dự án đầu tư công sau khi được HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư được ứng tiền từ quỹ đầu tư phát triển để giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng nêu nhiều vướng mắc tại địa phương và kiến nghị Chính phủ có cơ chế giải quyết. Cụ thể, Hải Phòng kiến nghị Chính phủ phân cấp cho các địa phương chủ động giải quyết một số công việc để đẩy nhanh tiến độ và triển khai thực hiện các dự án sân golf tại các vị trí không phải đất lúa, không phải đất rừng.

Đồng thời, Chính phủ giao cho các TP lớn được chủ động chuyển đổi trên 10.000 ha đất lúa sang thực hiện các dự án công nghiệp không phải xin ý kiến Thủ tướng.

Giống như nhiều địa phương khác đang gặp vướng mắc trong việc sử dụng quỹ đất công để thanh toán cho các nhà đầu tư dự án BT, Hải Phòng cũng đang gặp khó trong việc này.

Nghị quyết của Chính phủ vừa ban hành đã tạo cơ sở cho các địa phương thanh toán đối với các dự án ký hợp đồng trước 1/1/2018, còn các dự án ký sau thời điểm này thì chưa thể thanh toán khi chưa có quy định cụ thể.

"Việc chậm thanh toán, địa phương sẽ phải chịu một phần lãi vay, nếu kéo dài thì thiệt hại mà TP Hải Phòng phải chịu là tương đối lớn"- ông Tùng nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết để sử dụng tài sản công thanh toán cho các chủ đầu tư thực hiện dự án BT ký sau thời điểm 1/1/2018.

Bộ Chính trị đã phê duyệt quy hoạch Ban chấp hành TƯ khóa 13

Bộ Chính trị đã phê duyệt quy hoạch Ban chấp hành TƯ khóa 13

Đây là khẳng định của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tại hội nghị chiều nay 1/7 tại Hà Nội.

Thu Hằng - Hương Quỳnh