Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 837/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác Thông tin đối ngoại của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030”, theo đó đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:

Nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về việc cùng phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin, nguồn lực cho các CQĐD; nâng cao nhận thức của các trưởng CQĐD, cán bộ ngoại giao trong nước và ở nước ngoài về việc các CQĐD là lực lượng tuyến đầu trong việc triển khai TTĐN tại nước ngoài; coi công tác TTĐN là nhiệm vụ chung, thường xuyên, liên tục, phục vụ chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tại nước ngoài; nêu cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của người đứng đầu, của Trưởng các CQĐD trong việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong triển khai công tác TTĐN tại địa bàn.

Hoàn thiện các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong nước, trong đó có Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị, một số địa phương, các cơ quan báo chí chủ chốt với Bộ Ngoại giao và các CQĐD; xây dựng hành lang pháp lý để triển khai các biện pháp truyền thông mới, qua đó bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong TTĐN.

Đẩy mạnh việc triển khai công tác TTĐN của các CQĐD trên mọi phương diện với sự tham gia, hỗ trợ, phối hợp của toàn bộ hệ thống chính trị trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức thông tin, đa dạng hóa phương thức hoạt động TTĐN, chú trọng tạo điểm nhấn, nhằm truyền tải rộng rãi nhất các thông điệp và tạo được sự ủng hộ cũng như môi trường thuận lợi để triển khai các hoạt động đối ngoại.

trangweb.png
Ảnh minh hoạ: trang web của sứ quán Việt Nam tại Anh

Tiếp tục đổi mới nội dung để tăng tính thông tin, tính thuyết phục, sức hấp dẫn, độ lan tỏa của TTĐN.
Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng lực lượng truyền thông đối ngoại. Xây dựng lực lượng làm TTĐN vừa hồng vừa chuyên, tinh nhuệ, sáng tạo; huy động sức mạnh, sự tham gia của cộng đồng NVNONN, các nguồn lực tại địa bàn trong công tác TTĐN; kết hợp chặt chẽ công tác TTĐN với các mảng chính trị, kinh tế, văn hóa, cộng đồng, tạo thành khối thống nhất trong các chương trình hành động/hoạt động của CQĐD.

Tăng cường đầu tư nguồn lực thích đáng cho công tác TTĐN của các CQĐD. Về nguồn lực con người: có cán bộ chuyên trách làm công tác TTĐN, đặc biệt tại những địa bàn quan trọng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhằm bảo đảm đáp ứng được những yêu cầu về nghiệp vụ (ứng dụng công nghệ thông tin, làm tin, bài, chụp ảnh, quay phim...); coi kiến thức, kỹ năng TTĐN là một tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ tại CQĐD. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ qua công việc cho cán bộ, nhân viên CQĐD để thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin, kỹ năng TTĐN.

Đồng thời tăng cường đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động TTĐN, nhất là phục vụ cho việc chuyển đổi số, sử dụng mạng xã hội, phát triển kho tư liệu và ấn phẩm số (máy tính, máy quay/máy ảnh kỹ thuật số, máy scan màu, các phần mềm dựng hình, ảnh...).

Ngọc Cương và nhóm PV, BTV