Những năm gần đây, ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Bình đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ nhận thức dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, kinh doanh toàn diện; gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò đảm bảo môi trường sinh thái, quốc phòng- an ninh và an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về trồng rừng nguyên liệu và chế biến gỗ rừng trồng, Quảng Bình đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển lâm nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình có thể phát triển được rừng. Nhờ đó, người dân tích cực tham gia trồng rừng, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn bảo vệ môi trường sinh thái. Phong trào trồng rừng ở Quảng Bình phát triển khá mạnh.
Với sản lượng tăng trưởng, năng suất rừng trồng của Quảng Bình ngày càng cao, ước tính cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ từ 900.000 - 1.000.000 tấn/năm cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, đồng thời rà soát diện tích khoán bảo vệ rừng theo hồ sơ thiết kế đã được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt để thực hiện khoán bảo vệ rừng theo quy định.
Hiện nay, các địa phương, đơn vị đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng 279.643 ha. Trong đó: khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng bằng nguồn vốn trung ương giao là 244.703 ha; nguồn vốn địa phương giao là 34.940 ha. Kết quả 9 tháng đầu năm đã thực hiện khoán bảo vệ rừng và hỗ trợ bảo vệ rừng 279.643 ha, đạt 100% kế hoạch. Ước cả năm 279.643 ha /279.643 ha, đạt 100% kế hoạch.
Phát triển rừng theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo chủ trương của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. |
Về công tác phục hồi rừng năm 2020, theo kế hoạch khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên là 1.571 ha (khoanh nuôi chuyển tiếp), đến nay đã thực hiện công tác khoanh nuôi đạt 100% kế hoạch. Công tác chăm sóc rừng trồng; tổng diện tích rừng trồng chăm sóc theo kế hoạch là 21.397, trong đó chăm sóc rừng trồng phòng hộ 675,6 ha; chăm sóc rừng trồng sản xuất 20.721,4 ha. Đến nay đã hoàn thành chăm sóc 19.666 ha rừng (chăm sóc rừng phòng hộ 553,0 ha; chăm sóc rừng sản xuất 19.113 ha).
Đặc biệt, về trồng rừng đã được các địa phương, đơn vị quan tâm thực hiện, ngay từ đầu năm để ký hợp đồng cung ứng cây giống từ các đơn vị đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống, cây trồng lâm nghiệp hoặc tự tổ chức sản xuất phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2020, kế hoạch trồng rừng toàn tỉnh 7.690 ha.
Trong đó: Trồng rừng thay thế: 708,0 ha (rừng phòng hộ 428,0 ha; rừng đặc dụng 80,0 ha; hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn 200 ha). Trồng rừng sản xuất: 6.982 ha (trong đó có 875 ha rừng trồng gỗ lớn). Kết quả 9 tháng đầu năm 2020, đã trồng 4.205 ha/7.690,0 ha, đạt 55% kế hoạch năm (trồng rừng sản xuất); ước thực hiện cả năm đạt 7.590 ha/7.690 ha, đạt 98,6% kế hoạch, trồng cây phân tán: 752.890 cây.
Ông Nguyễn Văn Long, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết: “Trong thời gian tới ngành lâm nghiệp tiếp tục tập trung bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phát triển và tăng tỉ lệ rừng kinh tế, đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Tiếp tục mở rộng rừng trồng có chứng chỉ FSC, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị từ trồng, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản.
Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, phối hợp các dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển; trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt...
Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển KTXH của tỉnh, tuân thủ pháp luật, đảm bảo lợi ích KT-XH gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, đảm bảo quốc phòng- an ninh, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt là phát triển rừng theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo chủ trương của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đi cùng với phát triển rừng là nhiệm vụ bảo vệ rừng có vị trí hết sức quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững”.
Linh Ngọc