Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau có tổng diện tích 371.506 ha, bao gồm: vùng lõi 17.353 ha, vùng đệm 43.527 ha, vùng chuyển tiếp 310.626 ha. 

15 năm trước (vào ngày 26/5/2009), tại Hàn Quốc, Ủy ban Điều phối quốc tế về con người và sinh quyển thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã bầu chọn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây cũng là 1 trong 11 khu dự trữ sinh quyển của cả nước.

Việc được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã đã góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước và bảo tồn các giá trị nhân văn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, nhằm hướng đến mục tiêu điều hòa các mối quan hệ giữa con người và môi trường để đảm bảo sự cân bằng của hệ sinh thái nhân văn trong phạm vi Khu sinh quyển; phát triển kinh tế - xã hội kết hợp bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học.

Vùng Mũi Cà Mau có 4 đặc trưng sinh thái chính gồm hệ thống diễn thế nguyên sinh trên đất bãi bồi; hệ thống chuyển tiếp các hệ sinh thái đặc trưng từ rừng ngập mặn sang rừng tràm ngập nước ngọt theo mùa; là vùng bãi đẻ và nuôi dưỡng con non các loài thuỷ hải sản cho cả vùng biển rộng lớn. 

Do những đặc trưng trên, nên nơi đây có nhiều vùng sinh quyển độc đáo. Đây là nơi có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng với 93 loài thực vật thuộc 38 họ (trong đó chủ yếu là đước); có 28 loài thú thuộc 13 họ; 6 loài lưỡng cư thuộc 4 họ và 34 loài bò sát thuộc 14 họ. Nhiều loài bò sát ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Ngoài ra, khu vực này còn có 74 loài chim thuộc 23 họ, trong đó có 28 loài chim di trú và nhiều loài quý hiếm.

Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là một trong những địa điểm quan trọng thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, nơi nghiên cứu về các loài chim nước ven biển của Việt Nam và vùng châu Á - Thái Bình Dương. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng là hệ động thực vật rừng ngập mặn. Thực vật đặc trưng gồm: sú, vẹt, đước, mắm, tràm… Động vật khu vực này đa dạng, gồm có rùa, rắn, trăn, cua, các loại cá nước lợ, ba khía, sóc… 

rừng cà mau .jpg
 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Ảnh: BAT Việt Nam

Tại diễn đàn, các đại biểu được giới thiệu về tổng quan các quy định quản lí khu dự trữ sinh quyển theo yêu cầu của UNESCO và pháp luật của Việt Nam. Đánh giá hiện trạng quản lí Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau; những hạn chế, khó khăn trong quá trình quản lí khu dữ trữ sinh quyển. 

Từ đó, đề ra một số giải pháp góp phần quản lí Khu dữ trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau được tốt hơn trong thời gian tới. Đồng thời, hướng dẫn xây dựng quy chế, kế hoạch quản lí và bảo vệ môi trường, phân vùng khu dự trữ sinh quyển, các hoạt động triển khai trong khu dự trữ sinh quyển và xây dựng kế hoạch truyền thông tại khu dự trữ sinh quyển.

Theo Ban tổ chức, diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lí nhà nước trung ương và các sở, ngành của tỉnh Cà Mau và Ban quản lí Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lí tài nguyên thiên nhiên. Qua đó, nhằm tăng cường hiệu quả quản lí, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau nói riêng và các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam nói chung.

Đình Sơn